Bùng nổ công trình xanh: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

(PLO)- Bên cạnh tốc độ phát triển mạnh mẽ, công trình xanh vẫn đối mặt với nhiều thách thức như chi phí đầu tư cao và thiếu nhân lực chuyên môn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các công trình xanh, một xu hướng tất yếu của ngành xây dựng hiện đại. Theo báo cáo tổng quan thị trường công trình xanh Việt Nam năm 2024 của Tổ chức tài chính quốc tế IFC, thành viên của Ngân hàng thế giới (World Bank), tính đến năm 2024, cả nước đã có 559 công trình đạt chứng nhận xanh, với tổng diện tích sàn lên đến 13,6 triệu m².

Động lực xanh

Đáng chú ý, chỉ riêng trong năm 2024, Việt Nam đã có thêm 163 công trình xanh mới, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2023 và gấp 3 lần so với năm 2022. Sự bùng nổ này không chỉ phản ánh cam kết phát triển bền vững của Chính phủ mà còn cho thấy nhận thức ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân về lợi ích của công trình xanh.

Các công trình xanh hiện nay tập trung vào ba nhóm chính: công trình công nghiệp (56,5%), văn phòng (15,6%) và chung cư (14%). Điều này cho thấy các khu công nghiệp và doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi mô hình phát triển, hướng đến tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển này là các chứng chỉ xanh quốc tế như EDGE, LEED, Green Mark và LOTUS. Trong đó, chứng chỉ EDGE chiếm 42% tổng diện tích công trình xanh tại Việt Nam, tương đương 5,7 triệu m²; tiếp theo là LEED với 39,5% (5,3 triệu m²).

Những tiêu chuẩn này không chỉ giúp công trình tiết kiệm năng lượng và nước mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và tăng giá trị bất động sản.

công trình xanh
Tính đến năm 2024, cả nước đã có 559 công trình đạt chứng nhận xanh. Ảnh: QH

Ngoài ra, sự hỗ trợ của chính sách Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của công trình xanh. Nghị định 15/2021 đã đề ra các tiêu chuẩn bắt buộc về hiệu suất năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải đối với các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế gia tăng tài trợ cho các dự án xanh đã giúp nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào phân khúc này.

Cần bệ đỡ cho công trình xanh

Mặc dù công trình xanh đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn cần được giải quyết. Trong đó, vấn đề chi phí đầu tư ban đầu cao và thiếu hụt nhân lực có chuyên môn đang là hai rào cản chính.

Đại diện một doanh nghiệp đang đầu tư công trình xanh tại TP.HCM cho biết chi phí đầu tư công trình xanh có thể cao hơn 15-30% so với công trình truyền thống do yêu cầu vật liệu đặc biệt và công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, nếu tính toán lâu dài, chủ đầu tư có thể tiết kiệm 20-40% chi phí vận hành nhờ vào việc sử dụng điện mặt trời, hệ thống thông gió tự nhiên và các giải pháp tối ưu hóa năng lượng.

cong-trinh-xanh-tpchm.jpg
Chi phí đầu tư ban đầu cao và thiếu hụt nhân lực có chuyên môn về thiết kế, thi công công trình xanh đang là hai rào cản chính. Ảnh: QH

Bên cạnh đó, thị trường lao động vẫn còn thiếu hụt nhân sự có kiến thức chuyên sâu về thiết kế và thi công công trình xanh.

“Chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm kỹ sư và nhà thầu có kinh nghiệm triển khai các dự án đạt chuẩn LEED hoặc EDGE. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần được đẩy mạnh” – đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Năm 2024, Việt Nam đã có thêm 163 công trình xanh mới, gấp 2,1 lần so với năm 2023 và gấp 3 lần so với năm 2022.

Về giải pháp, TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế đề xuất Chính phủ cần tăng cường ưu đãi tài chính, chẳng hạn như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay cho các dự án xanh. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận công trình xanh để khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia hơn.

Ngoài ra, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế để cập nhật công nghệ và quy trình xây dựng xanh cũng là hướng đi quan trọng. Có thể thấy, dù còn nhiều thách thức nhưng với đà tăng trưởng hiện tại cùng sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức tài chính, công trình xanh sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong ngành xây dựng Việt Nam trong những năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ảnh: Freepik - AI

Đến thời của AI xanh

(PLO)- Việc ứng dụng AI xanh (green AI) vào kinh doanh mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau.

Kinh tế tuần hoàn: TP.HCM tiên phong xây dựng chính sách đột phá

Kinh tế tuần hoàn: TP.HCM tiên phong xây dựng chính sách đột phá

(PLO)- Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn TP đã quan tâm, rà soát, xây dựng và kiến nghị ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tạo nền tảng, cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường.

Tháo gỡ các nút thắt, khơi thông tài chính xanh

Tháo gỡ các nút thắt, khơi thông tài chính xanh

(PLO)- Thiếu khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh; hạn chế trong đa dạng hóa các sản phẩm tài chính; nhận thức và năng lực triển khai còn yếu, sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các bên liên quan là những thách thức của tài chính xanh hiện nay.

Chuyển đổi xanh: Đừng để doanh nghiệp bơi một mình

Chuyển đổi xanh: Đừng để doanh nghiệp bơi một mình

(PLO)- Chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững đang trở thành mục tiêu chiến lược của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên việc triển khai thực tế vẫn gặp nhiều rào cản từ cả phía doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.