Thiếu công trình xanh trong lòng đô thị

(PLO)- TP.HCM đứng đầu cả nước về số công trình xanh và đứng thứ hai về diện tích sàn xây dựng được chứng nhận công trình xanh.

Việt Nam hiện chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh (CTX), việc phát triển CTX đang được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích.

Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng CTX của Việt Nam hiện đạt trên 300 công trình với tổng diện tích trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.

Nhiều thách thức cho chủ đầu tư

Các loại hình CTX đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp… Số lượng CTX dù tăng lên đáng kể hằng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng thì con số này còn khá khiêm tốn.

Các chủ đầu tư dự án CTX còn gặp một số khó khăn về tiếp cận và tìm nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Việc thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành CTX... cũng là một thách thức.

Theo kiến trúc sư Vũ Linh Quang, thành viên Hội đồng CTX Việt Nam, việc khó khăn nhất là thuyết phục chủ đầu tư làm CTX. Hiện tại, thị trường xây dựng chưa có khái niệm, kiến thức về CTX cũng như lợi ích mà nó mang lại. Phía người mua nhà cũng chưa có yêu cầu và chủ đầu tư thì luôn e ngại việc tăng chi phí. Trong khi đó, tại một số nước lân cận như Singapore, người mua nhà ưu tiên chọn các công trình có tiêu chuẩn xanh vì họ hiểu được lợi ích của nó.

cong-trinh-xanh.jpg
Một chung cư được thiết kế, xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh tại quận 8, TP.HCM. Ảnh: M.LONG

“Chi phí phát sinh đang là rào cản và nỗi lo lớn nhất của các chủ đầu tư. Phần lớn các chủ đầu tư nhìn nhận các giải pháp CTX sẽ khiến công trình tăng lên 30% chi phí thậm chí cao hơn. Theo thống kê của Hội đồng CTX Việt Nam, phần lớn chi phí đầu tư cho CTX hiện dưới 5%” - kiến trúc sư Vũ Linh Quang nói.

Là một nhà phát triển CTX, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corrporation, cho biết quá trình để ra được một CTX là một quá trình rất là dài, có thể hàng thập niên. Từ bắt đầu thiết kế, chọn đất cho đến thi công, vận hành rồi cải tiến sản phẩm.

Theo Bộ Xây dựng, hiện có gần 300 CTX được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Mỹ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng CTX được chứng nhận LEED.

“Điều thứ hai rất quan trọng, đằng sau và lớn hơn CTX đó là cộng đồng xanh. Chúng tôi đang ở giai đoạn thúc đẩy các tiện ích xanh và những hành động xanh trong cộng đồng. Nhà đầu tư, thiết kế hay thi công chỉ đi qua giai đoạn 1. Điều cuối cùng là chuyển giao cho cộng đồng để họ thực hiện cộng đồng xanh. Không phải bán nhà là xong, chúng tôi có đội ngũ R&D, thiết lập những sổ tay CTX giúp cư dân, cộng đồng và hướng dẫn họ thực hành xanh” - bà Mẫu chia sẻ.

Cần khung pháp lý cho CTX

Theo TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia bất động sản, các chủ đầu tư thường có suy nghĩ ban đầu rằng việc làm CTX chỉ để mục đích marketing, quảng cáo bán hàng. Thế nhưng trên thực tế, với các lợi ích mà CTX mang lại, chủ đầu tư sẽ được sự tin tưởng hơn cho các công trình sau đó.

Để phát triển nhiều hơn các CTX trong lòng đô thị không chỉ nhờ vào giới chuyên môn, xây dựng công trình mà còn là chính quyền, các sở xây dựng. Vì vậy, Chính phủ cần ban hành cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho các CTX và sớm quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại hình này. Bên cạnh đó, cần đưa công tác quản lý nhà nước về các dự án CTX vào khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án CTX phát triển.

Đồng quan điểm, bà Mẫu cho rằng phát triển CTX tại Việt Nam là một chặng dường dài. Trên chặng đường ấy chắc hẳn còn những thiếu sót từ hành lang pháp lý, chủ đầu tư cũng như người tiêu dùng. Doanh nghiệp đề nghị Nhà nước sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành văn bản pháp luật quy định chính thức các tiêu chuẩn về CTX.

Khác với phát triển đô thị thông trường, CTX không chỉ xanh hóa sản phẩm mà cần phát triển đồng bộ những những dịch vụ như giáo dục, chăm sóc sức khỏe xanh, chăm sóc tinh thần xanh, chia sẻ các kỹ năng sống xanh như xử lý rác thải tại nguồn cho cư dân. Về lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng sống xanh đô thị, nâng cao tuổi thọ hữu ích của cư dân cũng như giảm thiểu tác hại môi trường và hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

Hợp tác với đối tác Nhật xây công trình xanh

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corrporation, cho biết đôi khi doanh nghiệp phải chấp nhận đánh đổi lợi nhuận trước mắt để nhận lại giá trị lâu dài. Doanh nghiệp đã tìm đến các đối tác hàng đầu trong nước và hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản để phát triển CTX… Về khía cạnh công trình, một công trình đạt được tiêu chuẩn CTX cũng đòi hỏi sự đầu tư về cả chất và lượng, chi phí đầu tư gia tăng cùng với các yêu cầu về không gian, sự thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên hay tầm nhìn ra bên ngoài cũng là một bài toán nan giải cho chủ đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm