Trong khuôn khổ Diễn đàn “TP.HCM - Gỡ vướng cho kinh tế xanh” đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Tài chính xanh - Nguồn lực cho doanh nghiệp (DN) bền vững”. Nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội của tài chính xanh để phát triển bền vững đã được nhận diện và đưa ra giải pháp cụ thể.
Sức hấp dẫn và những thách thức
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), tài chính xanh là cấu phần quan trọng, giúp các DN thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các dự án có tác động tích cực đến môi trường, xã hội, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam (VN).
Tài chính xanh không chỉ áp dụng cho các DN trong lĩnh vực chuyển đổi môi trường, mà còn được thực hiện bởi nhiều ngành nghề khác nhau như năng lượng tái tạo, bất động sản, nông nghiệp bền vững, tiêu dùng. Do đó cơ hội tài chính và đầu tư cho các DN VN là rất lớn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân hơn 22%/năm. Đến ngày 31-3-2024 đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 tỉ đồng. Chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. VN cũng đã phát hành 1,157 tỉ USD trái phiếu xanh giai đoạn 2019-2023.
Công ty tài chính quốc tế ước tính các cơ hội đầu tư về khí hậu của VN có thể lên tới 757 tỉ USD vào năm 2030, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, giao thông, xây dựng xanh.
Tuy nhiên, bà Hà đánh giá dù nguồn vốn tài chính xanh được định hình cho sự phát triển bền vững của DN nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản. Đầu tiên, về cơ chế, chính sách thì danh mục phân loại xanh chưa được ban hành, tiêu chí phân loại xanh chưa thống nhất. Cơ chế ưu đãi về thuế, phí với các sản phẩm tài chính xanh vẫn chưa hoàn thiện.
Xét về yếu tố vận hành, còn thiếu hụt nhân sự chuyên trách ESG (môi trường - xã hội - quản trị DN) hay chuyên gia ngành đánh giá và thẩm định dự án xanh. Nhận thức của DN hạn chế, chưa chú trọng phát triển bền vững, chưa chú trọng kiểm kê khí nhà kính và công bố thông tin phát thải minh bạch, chính xác.
TS Bùi Duy Tùng, Trường ĐH RMIT VN, nhận định VN chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn phân loại xanh (green taxonomy) thống nhất, dẫn đến khó khăn trong việc xác định, đánh giá và triển khai các dự án xanh. Theo Bộ Tài chính, hơn 50% các tổ chức tài chính gặp trở ngại trong việc phân định rủi ro và tiềm năng của các dự án xanh, chủ yếu do thiếu hướng dẫn chi tiết.
Cũng vì vậy mà các DN và ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tín dụng cao hơn do không thể xác định chính xác dự án nào thực sự xanh. Cùng với đó, vẫn còn thiếu sự đa dạng trong các sản phẩm tài chính xanh, bao gồm trái phiếu xanh, tín dụng xanh và các công cụ tài chính bền vững khác.
“Ngoài ra, văn hóa lợi nhuận ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng là một rào cản quan trọng, khi nhiều ngân hàng vẫn ưu tiên các dự án mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn thay vì đầu tư dài hạn vào các dự án xanh” - TS Tùng nhìn nhận.
Chú trọng báo cáo phát triển bền vững
Theo bà Hà, các DN niêm yết trên sàn chứng khoán ngày càng chú ý đến việc báo cáo phát triển bền vững. Theo đó, số lượng báo cáo phát triển bền vững riêng đã tăng từ 12 báo cáo (năm 2022) lên 33 báo cáo (năm 2024). Các DN cũng đã chú trọng lập báo cáo phát thải khí nhà kính. Các báo cáo đã chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn rõ rệt hơn, chuyển đổi chuỗi cung ứng xanh bằng việc lựa chọn nhà cung cấp, đầu tư đổi mới công nghệ để giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải.
Tháo gỡ các nút thắt, khơi thông tài chính xanh
Về giải pháp, bà Hà khuyến nghị Nhà nước sớm hoàn thiện khung chính sách và có chính sách thúc đẩy tài chính bền vững. Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, khuyến khích DN công bố thông tin và thực hành ESG, chuyển đổi xanh, công bố thông tin bằng tiếng Anh. Chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về nhận thức/đánh giá rủi ro ESG.
Theo bà Hà, HOSE sẽ cải tiến quy tắc lựa chọn cổ phiếu vào rổ chỉ số phát triển bền vững để các tiêu chí đánh giá xanh, bền vững bám sát hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành chỉ số được các quỹ đầu tư lựa chọn khi muốn đầu tư vào các DN xanh.
Cơ quan quản lý cần có giải pháp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển nhà đầu tư tổ chức vì đây là nhóm nhà đầu tư có những mục tiêu đầu tư rõ ràng và định hướng về đầu tư có trách nhiệm hướng đến bảo vệ môi trường, xã hội. Từ đó, tạo động lực cho các DN hoạt động xanh sạch, đầu tư vào phát triển bền vững. Đồng thời có chế tài mạnh đối với các DN niêm yết không tuân thủ các quy định về quản trị công ty, phát triển bền vững.
TS Tùng cho rằng VN cần khẩn trương thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn phân loại xanh lấy kinh nghiệm từ các thông lệ quốc tế. Bộ tiêu chuẩn này phải bao quát không chỉ năng lượng tái tạo mà còn cả nông nghiệp bền vững, giao thông xanh và quản lý tài nguyên nước.
Cần thành lập hội đồng tài chính xanh quốc gia với vai trò điều phối và giám sát các chương trình tài chính xanh. Hội đồng này có thể tạo ra nền tảng đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan quản lý, DN và các tổ chức tài chính để giải quyết các vướng mắc trong thực thi chính sách.