Bất đồng với Mỹ gây hậu quả gì cho thủ tướng Israel?

(PLO)- Sự bất đồng với Mỹ về tương lai Gaza hậu chiến đem lại nhiều rủi ro lẫn cơ hội cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích Israel, nhiều nhà quan sát cho rằng điều này vừa khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp nhiều nguy cơ nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho ông.

Trong một động thái mà tờ The New York Times đánh giá là sự lên án mạnh mẽ nhất của Tổng thống Biden với Israel kể từ khi xung đột Israel bùng nổ, nhà lãnh đạo Mỹ hôm 12-12 nói rằng Israel có nguy cơ mất đi sự ủng hộ của quốc tế vì “ném bom bừa bãi” ở Gaza. Ông cũng chỉ trích chính phủ cực hữu của Thủ tướng Netanyahu rằng chính quyền này không “muốn bất cứ điều gì tiến gần đến giải pháp hai nhà nước” cho cuộc xung đột giữa Israel với người Palestine.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã đề xuất rằng sau chiến tranh, chính quyền Palestine sẽ chịu trách nhiệm về Gaza như một phần của tiến trình xây dựng một nhà nước Palestine. Tuy nhiên, thủ tướng Israel đã bác bỏ kế hoạch này và thừa nhận rằng có sự bất đồng giữa Mỹ và Israel về Gaza hậu chiến.

Bất đồng với Mỹ là mối nguy cho thủ tướng Israel

Các nhà phân tích cho rằng sự bất đồng giữa Israel và đồng minh thân cận nhất - Mỹ, về Gaza thời hậu chiến, sẽ gây ra rủi ro cho chính quyền ông Netanyahu, theo tờ The New York Times.

Điều này sẽ đặt ra câu hỏi rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ hết sức cho Israel trong cuộc chiến này đến lúc nào và liệu Mỹ có đặt ra giới hạn sự hỗ trợ cho Israel hay không, trong bối cảnh hàng năm, Mỹ viện trợ cho Israel hàng tỉ USD, đạn dược, cũng như ủng hộ Israel tại Liên Hợp Quốc...

thủ tướng israel gặp nguy hiểm và cơ hội khi bất đồng với Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp nhau tại Tel Aviv (Israel) ngày 18-10. Ảnh: GPO/ANADOLU/GETTY IMAGES

Khi bất đồng giữa hai nước ngày càng rõ ràng, các nhà bình luận Israel đã đặt câu hỏi liệu ông Biden có thể thúc giục ông Netanyahu dừng cuộc tấn công sớm hơn mong muốn của quân đội Israel hay không; và liệu Mỹ sẽ ngừng phủ quyết các nghị quyết của Liên Hợp quốc mà gây bất lợi cho Israel hay không.

Ông Alon Pinkas, cựu Tổng lãnh sự Israel tại New York (Mỹ), cho rằng ông Biden sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi lập trường ủng hộ Israel nếu ông Netanyahu không làm nhiều hơn để giải quyết những lo ngại của Mỹ.

Kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ ngày 7-10, đảng cánh hữu Likud của ông Netanyahu đã tụt xa so với đối thủ chính là đảng National Unity do cựu tư lệnh quân đội Benny Gantz lãnh đạo. Cuộc thăm dò mới nhất được Channel 13 - một trong những kênh truyền hình chính của Israel, công bố hôm 11-12, cho thấy đảng National Unity sẽ nhanh chóng giành được 37, vượt xa 18 ghế mà Likud dự kiến ​​sẽ giành được.

Tháng trước, một cuộc khảo sát do Viện Chính sách Nhân dân Do Thái (Israel) cho thấy 55% số cử tri được hỏi rất tin tưởng vào ông Gantz, trong khi chỉ 32% tin tưởng vào ông Netanyahu.

Nhưng cũng là cơ hội cho thủ tướng Israel

Dù sự bất đồng với Mỹ gây ra nhiều nguy cơ nhưng cũng mang đến cho thủ tướng Israel một cơ hội để “lấy lòng” cử tri bằng cách thể hiện mình là một nhà lãnh đạo không khuất phục trước các yêu cầu của nước ngoài trong bối cảnh sự ủng hộ ông Netanyahu đang sụt giảm, theo The New York Times.

Ông Itamar Rabinovich, cựu đại sứ Israel tại Washington (Mỹ), cho biết: “Ông Netanyahu đang hướng tới chiến dịch bầu cử tiềm năng trong vài tháng tới… Cương lĩnh tranh cử của ông ấy sẽ là “tôi là nhà lãnh đạo có thể đứng lên chống lại ông Biden và ngăn chặn (việc thành lập) một nhà nước Palestine””.

thu-tuong-israel-bat-dong-voi-my.png
Lực lượng Israel pháo kích vào Dải Gaza từ khu vực biên giới miền nam Israel hôm 13-12. Ảnh: JACK GUEZ/AFP

Theo ông Rabinovich, ông Netanyahu đang cố gắng gầy dựng lại uy danh đang suy giảm của mình. Uy tín về việc bảo đảm an ninh của ông Netanyahu đã bị tổn hại nặng nề do chính quyền ông không ngăn chặn được cuộc đột kích táo bạo của Hamas vào miền nam Israel hôm 7-10 khiến 1.200 người chết và 240 người bị bắt cóc.

Cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng thủ tướng Israel hiện đang cố gắng lấy lại sự ủng hộ của các cử tri Likud lâu năm bằng cách tăng cường quan điểm chính sách cánh hữu truyền thống, chẳng hạn như phản đối nhà nước Palestine và bác bỏ Hiệp ước hòa bình Oslo, là các hiệp định hòa bình tạm thời giữa Israel và Palestine. dẫn đến việc thành lập Chính quyền Palestine.

Trong các cuộc bầu cử trước đây, ông Netanyahu đã giành được sự ủng hộ của công chúng khi thể hiện mình là nhà lãnh đạo duy nhất đủ kinh nghiệm để bảo vệ Israel khỏi vô số mối đe dọa từ nước ngoài và là chính trị gia phù hợp nhất để duy trì mối quan hệ của Israel với Mỹ.

Theo ông Nahum Barnea, nhà báo, nhà bình luận kỳ cựu của tờ Yediot Ahronot (Israel), sự thất bại trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của Hamas ngày 7-10, cùng với căng thẳng ngày càng gia tăng của ông Netanyahu với ông Biden, đã buộc thủ tướng Israel phải tìm cách tiếp cận khác.

Hôm 13-11, ông Barnea viết trên tờ báo này rằng ông Netanyahu đã thất bại với tư cách là người bảo vệ an ninh cho Israel và người duy trì quan hệ tốt giữa Israel và Mỹ. Theo ông Barnea, có lẽ ông Netanyahu sẽ thành công với tư cách là người không bao giờ ủng hộ nhà nước Palestine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm