Phương Tây trước làn sóng khủng bố liên quan xung đột Israel - Hamas

(PLO)- Hàng loạt nước phương Tây khẩn trương ngăn chặn làn sóng khủng bố bùng phát liên quan xung đột Israel - Hamas.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, nhiều nước phương Tây chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố có động cơ liên quan cuộc xung đột Israel - Hamas. Làn sóng khủng bố này gây quan ngại cho giới lãnh đạo phương Tây, nhất là trong bối cảnh sẽ có nhiều hoạt động tập trung đông người diễn ra trong mùa lễ hội cuối năm.

Quá nhiều vụ tấn công chết người

Đài Euronews dẫn cảnh báo của bà Ylva Johansson - Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) ngày 5-12 rằng EU đang phải đối mặt với “nguy cơ rất lớn” xảy ra tấn công khủng bố trong dịp Giáng sinh.

“Cuộc chiến giữa Israel và Hamas cùng sự phân cực mà nó gây ra với xã hội chúng ta, đặt trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ sắp tới, đang tạo ra nguy cơ rất lớn xảy ra các cuộc tấn công khủng bố” - bà Johansson nói trong cuộc họp các bộ trưởng Nội vụ EU.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande Marlaska lo lắng “trong bối cảnh quốc tế đặc biệt nhạy cảm như hiện tại, tình hình ở Trung Đông có thể làm gia tăng căng thẳng, phân cực và thúc đẩy khủng bố”.

P16-làn sóng khủng bố
Lực lượng chức năng tại hiện trường vụ tấn công gần tháp Eiffel (thủ đô Paris, Pháp) ngày 2-12. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Tại Mỹ, đầu tháng này, Bộ An ninh nội địa và Bộ Tư pháp nước này đã ra một thông báo chung gửi tới cơ quan thực thi pháp luật cấp tiểu bang và liên bang cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng bố. Cụ thể, các cơ quan này cảnh báo có khả năng tổ chức khủng bố như al-Qaeda và IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) có thể lợi dụng xung đột Israel - Hamas “để gia tăng các lời kêu gọi bạo lực ở Mỹ trong kỳ nghỉ lễ năm nay”.

Đến ngày 5-12, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cảnh báo rằng mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng ở Mỹ, tới nỗi ông “chưa bao giờ thấy thời điểm nào mà tất cả mối đe dọa kiểu như vậy đều tăng cao cùng một lúc”.

Thực tế, thời gian gần đây nhiều vụ tấn công được xác định có yếu tố khủng bố đã xảy ra. Như một hiệu ứng lan rộng của xung đột Israel - Hamas, các vụ tấn công gần đây ở Mỹ chủ yếu tập trung vào cộng đồng người Hồi giáo và Do Thái.

Tại Pháp, tối 2-12, một người đàn ông dùng dao và búa tấn công khách du lịch gần tháp Eiffel (thủ đô Paris) khiến một người chết và hai người bị thương. Theo điều tra của cảnh sát, nghi phạm là một người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Khi bị cảnh sát bắt, nghi phạm đã hét lên “Allahu Akbar” (Thánh Allah vĩ đại) và nói rằng anh ta rất đau lòng khi chứng kiến “rất nhiều người Hồi giáo đang bỏ mạng ở Afghanistan và Palestine” và cũng rất buồn vì tình hình ở Gaza. Pháp đã nâng cảnh báo về mối đe dọa khủng bố lên mức cao nhất.

Tại Bỉ hôm 16-10, một tay súng “được IS truyền cảm hứng” đã bắn chết hai cổ động viên bóng đá người Thụy Điển tại thủ đô Brussels (Bỉ) trước thềm trận đấu giữa đội tuyển Bỉ và đội tuyển Thụy Điển trong khuôn khổ vòng loại Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro) 2024.

Chỉ một ngày sau đó, tại Đức xảy ra vụ việc các đối tượng ném hai quả bom xăng vào một giáo đường Do Thái tại thủ đô Berlin nhưng may mắn không gây thương vong. Tờ The Wall Street Journal đưa tin cảnh sát ở miền Nam nước Đức hôm 2-12 đã ra lệnh đóng cửa khu chợ Giáng sinh gần TP Stuttgart trong 3 giờ sau khi có cảnh báo về nguy cơ xảy ra một vụ tấn công.

Khẩn trương ứng phó làn sóng khủng bố

Trước tình hình này, Mỹ và châu Âu đang khẩn trương triển khai các biện pháp an ninh và nỗ lực ngăn chặn các âm mưu tấn công khủng bố.

Giám đốc FBI Wray cho biết các quan chức Mỹ thường xuyên liên lạc với các thành viên cộng đồng Do Thái trên khắp đất nước và thành lập một đơn vị tình báo tổng hợp để “nắm bắt toàn cảnh và chủ động trong không gian tôn giáo”. Ngày 31-10, Thống đốc New York - bà Kathy Hochul công bố khoản hỗ trợ 75 triệu USD cho lực lượng cảnh sát và các nhà thờ để đối phó với tình trạng gia tăng các cuộc tấn công chống người Do Thái và người Palestine tại bang này.

Tại Anh, số lượng cuộc gọi về đường dây nóng chống khủng bố của chính phủ tăng hơn gấp đôi kể từ sau ngày xung đột Israel - Hamas bùng phát (ngày 7-10), so với cùng kỳ năm ngoái. Pháp ghi nhận hơn 1.500 hành vi chống người Do Thái trong vòng một tháng sau ngày 7-10, tăng gấp ba so với cả năm 2022.

EU cam kết sẽ cung cấp thêm 30 triệu euro hỗ trợ các nước thành viên bảo vệ những địa điểm tôn giáo và các không gian công cộng khác, theo Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ EU Johansson. Bà Johansson kêu gọi tất cả các nước có biện pháp trấn áp những bình luận mang tính thù địch trên mạng xã hội và chặn nguồn tài chính của các nhóm cực đoan.

Tây Ban Nha, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, đã kích hoạt cơ chế xử lý khủng hoảng nhằm đẩy nhanh việc phối hợp giữa 27 nước thành viên EU và giữa các thành viên với các đối tác lớn của khối như Liên hợp quốc hay Mỹ trong ứng phó với nguy cơ khủng bố, theo Euronews.

“Cuộc chiến ở Gaza đang dẫn đến nguy cơ xúc động hóa và cực đoan hóa những thủ phạm Hồi giáo có xu hướng bạo lực. Ngay bây giờ chúng ta phải theo dõi đặc biệt chặt chẽ các mối đe dọa Hồi giáo cực đoan và hợp tác với các nước láng giềng chống lại nguy cơ này” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Nancy Faeser kêu gọi các nước hợp tác ngăn chặn nguy cơ khủng bố.

Nhiều nước EU đã hành động ngăn chặn nguy cơ khủng bố liên quan xung đột Israel - Hamas. Ý, Đan Mạch và Thụy Điển tăng kiểm soát biên giới. Pháp tính duy trì hoạt động kiểm tra an ninh biên giới cho đến tháng 5-2024. Bỉ, Pháp và Đức tăng cường số lượng cảnh sát tuần tra.•

Mối đe dọa từ các cuộc tấn công “sói đơn độc”

Hãng tin Reuters dẫn lời nhiều quan chức an ninh từ năm nước châu Âu rằng mối nguy hiểm chính với châu Âu có lẽ là từ các cuộc tấn công của “những con sói đơn độc” - ám chỉ cá nhân tấn công đơn lẻ, không liên kết chính thức với các nhóm khủng bố lâu đời.

Sĩ quan Jochen Kopelke, người đứng đầu liên đoàn cảnh sát lớn nhất nước Đức, cho biết cảnh sát Đức đã cảnh báo các nhóm phiến quân ở Đức rằng họ đang nằm trong phạm vi giám sát của cảnh sát. Tuy nhiên, ông Kopelke cho rằng mối đe dọa chính vẫn là từ những cá nhân “tự cực đoan hóa”.

“Việc những người này thực hiện tội ác chỉ còn là vấn đề thời gian. Không phải lúc nào họ cũng có bom để tấn công, họ có thể đâm ô tô hoặc dùng dao tấn công một địa điểm tập trung đông người” - ông Kopelke lo ngại.

Theo các quan chức, mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa an ninh có thể phụ thuộc vào thời gian Israel tiếp tục cuộc tấn công chống lại Hamas ở Gaza.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm