Xung đột Israel-Hamas 13-12: Israel cho lính tỏa xuống đường hầm Hamas, tấn công UAV sang Bờ Tây; Mỹ, Israel bất đồng giải pháp Gaza hậu xung đột

(PLO)- Xung đột Israel-Hamas vẫn nóng với việc Israel cho lính tỏa xuống hệ thống đường hầm Hamas; Mỹ, Israel bất đồng quan điểm; Đại hội đồng LHQ yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung đột Israel-Hamas ngày qua tiếp tục leo thang khi Israel tuyên bố tiến sâu vào các đường hầm của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine).

Một diễn biến ngoại giao đáng chú ý trong ngày là việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua nghị quyết yêu cầu các bên trong xung đột Israel-Hamas ngừng bắn ngay lập tức.

Israel tiến sâu thành trì Hamas, dùng UAV tấn công Bờ Tây

. Ngày 12-12, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Yoav Gallant tiết lộ Lực lượng Phòng vệ Israel đang “hoạt động sâu dưới lòng đất” ở Dải Gaza, theo tờ The Times of Israel.

“Các hoạt động này cũng đang được thực hiện trên mặt đất nhưng có sự đi sâu xuống vực sâu để tìm các boongke, phòng tác chiến, trung tâm liên lạc, kho đạn dược và phòng họp của đối phương. Chúng ta sẽ thấy hình ảnh về những điều này trong vài ngày tới” - ông Gallant nói.

Vị Bộ trưởng cho biết thêm rằng lực lượng Israel đang thẩm vấn em trai của ông Ahmed Ghandour - cố chỉ huy lữ đoàn phía bắc Gaza của Hamas.

“Họ kể cho chúng tôi nghe phần lớn câu chuyện về vụ tấn công ngày 7-10 và những câu chuyện khác. Chúng tôi đang đào sâu thêm thành trì của Hamas ở TP Gaza và sẽ sớm loại bỏ toàn bộ cơ sở hạ tầng của Hamas” - ông Gallant nói thêm.

Xung đột Israel-Hamas 13-12
Israel tiếp tục triển khai binh lính, xe tăng, máy bay quân sự và xe bọc thép gần biên giới Israel-Gaza trong ngày 12-12. Ảnh: ANADOLU AGENCY

. Tờ Wall Street Journal ngày 12-12 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel đã bắt đầu bơm nước biển vào hệ thống đường hầm dưới lòng đất của Hamas ở Gaza.

Tuần trước, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel – Trung tướng Herzi Halevi gọi kế hoạch bơm nước vào các đường hầm ở Gaza là “một ý tưởng hay” nhưng từ chối bình luận chi tiết.

Các chuyên gia môi trường đã cảnh báo rằng việc bơm nước vào đường hầm sẽ có tác động lâu dài đến nguồn nước ngầm ở Dải Gaza.

. Cùng ngày, hãng thông tấn Palestine WAFA đưa tin 4 người Palestine thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Israel nhằm vào TP Jenin ở Bờ Tây.

Giải thích về vụ việc, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đang thực hiện “các hoạt động chống khủng bố” ở Jenin và đã bắt giữ hàng chục nghi phạm.

Cũng theo WAFA, Israel ngày qua “bao vây” 3 bệnh viện ở Bờ Tây và thẩm vấn các nhân viên bệnh viện.

. Kênh Al Jazeera dẫn lời ông Abu Hamza - phát ngôn viên của Lữ đoàn al-Quds, cánh vũ trang của phong trào Hồi giáo Jihad (Dải Gaza, Palestine), cho biết các chiến binh của nhóm này ngày 12-12 đã phá hủy “hàng chục” xe quân sự của Israel.

“Các máy bay chiến đấu của chúng tôi kiên định trên thực địa và trên mọi mặt trận, bao gồm ở các quận Shujaiya, Sheikh Radwan, Zeitoun, Jabalia (TP Gaza) và TP Khan Younis” - ông Hamza cho hay.

Cũng theo người phát ngôn này, các máy bay chiến đấu của nhóm Jihad đã phá hủy một căn cứ đóng quân của binh sĩ Israel, khiến “hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương”.

Ông Hamza nói thêm rằng nhóm này đang tiếp tục phóng rocket về phía các TP ở Israel.

. Lực lượng Phòng vệ Israel ngày qua cũng báo cáo về 3 rocket phóng từ Syria vào khu vực do Israel kiểm soát tại Cao nguyên Golan.

Trước đó, một số súng cối và tên lửa chống tăng cũng được phóng từ Lebanon vào cộng đồng ở biên giới Lebanon-Israel và gây ra thiệt hại, theo Lực lượng Phòng vệ Israel.

Israel tuyên bố máy bay và xe tăng của nước này ngày 12-12 “đã hoàn thành một loạt cuộc tấn công ở miền nam Lebanon và Syria” để đáp trả các vụ phóng.

Mỹ, Israel bất đồng quan điểm

. Ngày 12-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng chính phủ theo đường lối cứng rắn của Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu đã gây khó khăn cho cộng đồng quốc tế trong việc ủng hộ cuộc chiến của Israel chống lại Hamas, theo đài CNN.

“Tôi nghĩ ông Netanyahu phải thay đổi. Chính phủ này ở Israel đang gây khó khăn cho ông ấy trong việc hành động” - ông Biden nói, đồng thời gọi chính phủ của ông Netanyahu là “chính phủ bảo thủ nhất trong lịch sử Israel”.

Xung đột Israel-Hamas 13-12
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Joe Biden (trái) tại cuộc gặp ở Tel Aviv (Israel) ngày 18-10. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng sự ủng hộ quốc tế dành cho Israel đang suy yếu vì Gaza bị bắn phá nặng nề và vì chính phủ Israel “không muốn có giải pháp hai nhà nước”.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Netanyahu thừa nhận ông và Tổng thống Biden không đồng thuận về giải pháp cho Dải Gaza thời hậu chiến.

“Đúng, có sự bất đồng về tương lai Gaza hậu Hamas và tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ đạt được đồng thuận về vấn đề này” - ông Netanyahu cho hay.

Theo CNN, những nhận xét trên từ hai nhà lãnh đạo được xem là những bình luận thẳng thắn nhất đề cập khác biệt giữa Mỹ và đồng minh Israel.

. Cùng ngày, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel - Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari nói rằng Israel có thể giải thích cho Mỹ về các hoạt động của nước này ở Dải Gaza.

“Chúng tôi duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Chúng tôi có các cuộc điện đàm gần như hàng ngày” - ông Hagari cho biết.

“Chúng tôi hoạt động theo cách cố gắng hết sức để tách dân thường khỏi những kẻ khủng bố. Israel đã làm điều này kể từ đầu cuộc chiến và chắc chắn sẽ duy trì cho đến những ngày cuối cùng” - người phát ngôn nói thêm.

Bình luận về bất đồng giữa Mỹ và Israel, người phát ngôn của Hamas - ông Osama Hamdan nói rằng “sự phản kháng và sự kiên định của người dân Palestine đã khiến ông Biden hiểu rằng hoạt động quân sự của Israel là một hành động điên rồ”.

“Những hậu quả của cuộc chiến sẽ là thảm khốc đối với Israel và đối với kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng của ông Biden” - Al Jazeera dẫn lời ông Hamdan.

Đại hội đồng LHQ yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza

Ngày 12-12, ĐHĐ LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức trong xung đột Israel-Hamas, theo hãng tin Reuters.

Cuộc bỏ phiếu được tổ chức sau khi Mỹ phủ quyết một dự thảo với nội dung tương tự tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Xung đột Israel-Hamas 13-12
Cuộc họp ngày 12-12 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về xung đột Israel-Hamas tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở TP New York (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Tại cuộc bỏ phiếu ngày 12-12, 153 quốc gia bỏ phiếu thuận, 10 nước bỏ phiếu chống (trong đó có Mỹ và Israel) và 23 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Nghị quyết của ĐHĐ yêu cầu ngừng bắn nhân đạo cũng như yêu cầu tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho các con tin.

Theo CNN, nghị quyết lần này được đánh giá là có ngôn ngữ mạnh mẽ hơn so với nghị quyết kêu gọi “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo bền vững” mà ĐHĐ thông qua hồi tháng 10.

Ngay sau khi ĐHĐ thông qua nghị quyết, nhóm Hamas bày tỏ sự hoan nghênh và kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì áp lực buộc Israel phải tuân theo nghị quyết, theo ông Izzat Al-Rishq - một thành viên của Văn phòng Chính trị Hamas.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm