Bắt gặp tuổi 20

LTS: Nhật ký là những ghi chép, trải nghiệm mang tính cá nhân. Nhưng có những cuốn nhật ký khiến bao trái tim phải thổn thức, muốn soi rọi lại mình, hỏi xem mình đã làm được gì để xứng đáng với bản thân, gia đình và xã hội, xứng đáng với lớp người đi trước.Nhật ký Thanh niên xung phong Trường Sơn 1965-1969là một cuốn như thế.

Tác giả những dòng nhật ký in trong cuốn sách này là một chàng trai vừa rời trường trung học dấn thân vào tuyến lửa. Nhưng những quan sát, suy tư của anh về chiến tranh, về những hy sinh, mất mát… không chỉ là trải nghiệm riêng tư mà như một lát cắt mang đầy đủ hơi thở cuộc sống của một thời ra trận.

Nhập cuộc

Miền Bắc, năm 1965. Mỹ leo thang thả bom, đánh phá ác liệt.

Tại thị xã Phủ Lý (Hà Nam) - nơi Trần Văn Thùy đang sống và học tập - có một tổ dân phố đang họp. Khuya đó, trên trang vở học trò của chàng trai vừa rời trường trung học ghi: “Cả tối nay họp nhân dân nghe báo cáo về vấn đề “xung phong tình nguyện”. Đúng! Quả quyết lần nữa: Đi thôi, mình sẽ đi thôi! Nề hà chi!”.

15 ngày sau, anh khoác ba lô xung phong vào trận tuyến. Nếu có cái gì lướng vướng thì cái ấy chính là “Người ta mất đứa nọ còn có đứa kia, nếu con mất đi - còn có đứa nào nữa đâu” (tác giả là con trai độc nhất của gia đình).

Nhưng rồi, gác lại mọi thứ anh đã lên đường. “Lần đầu tiên trong đời thực sự khoác ba lô nặng trĩu trên vai dấn bước… Dọc phố, nhân dân đứng rất đông hai bên đường. Những bà mẹ có con ra đi thì lật đật chạy theo cố dúi cho con mình những kỷ niệm cuối cùng của sự chăm sóc trong gia đình… Ở ga, một cuộc tiễn đưa chưa từng có trong đời mình diễn ra. Những con mắt nhìn nhau chăm chú, hy vọng ghi lại hình ảnh của nhau trong ký ức. Hàng trăm người đã khóc. Bạn bè thì ôm chầm lấy nhau. Các bà mẹ thì không sao nói mạch lạc được…

Và tàu chuyển bánh đi xuôi… Mình nhoài ra cửa toa nhìn mọi người lần cuối và chỉ khi đó mới trông thấy chị Th. hớt hải chạy dọc sân ga gọi tên mình… rồi vấp ngã. Tất cả ở lại phía sau…”.

Và đây, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tác giả: “Đến Ninh Bình tất cả phải xuống đi bộ. Cầu Ninh Bình đã bị bom thù làm gục, bọn mình lần mò qua những hố bom nham nhở. Trời tối quá… Theo cầu phao qua sông vẫn có thể thấy rõ chiếc cầu dạng vòm gục xuống lòng sông… Đột nhiên một cảm giác nặng nề về chiến tranh xâm chiếm tâm hồn”. Chính những hình ảnh này càng củng cố thêm quyết tâm dấn thân của tác giả, như lớp lớp thanh niên lúc bấy giờ. Mở đầu nhật ký của những ngày sau đó tác giả luôn bắt đầu bằng từ “Ra đi!” như tái khẳng định cái quyết tâm nhập cuộc của mình.

Phút nghỉ ngơi của nữ TNXP Trường Sơn.

Trăng trong bão lửa

Cái bỡ ngỡ ban đầu dần qua đi, tác giả cùng những chàng trai, cô gái TNXP dần hòa nhập với cuộc sống khốc liệt chiến trường. Những ngày hành quân mệt lả, những buổi lao động hăng say, những đợt chống lầy, lấp hố bom, thông xe ra trận tuyến. Cuộc sống thiếu thốn nơi rừng sâu nước độc không ít lần quật họ ngã bệnh. Nhưng trên hết, họ gắn bó, yêu thương và đoàn kết nhau để cùng chung nhiệm vụ.

Xuyên suốt cuốn nhật ký là hai hình ảnh đối lập liên tục xuất hiện: Bom rơi đạn nổ tang thương và những đêm trăng thanh thoát núi rừng - những đêm trăng hiếm hoi xen giữa những đợt bom long trời lở đất.

“Không khí căng thẳng lạ thường, hầm hập và khó chịu. Mùi hoa rừng tỏa khắp vùng làm đầu óc nhức buốt. Vài chú ve sầu kêu inh ỏi như một khúc nhạc lạc điệu, buồn tẻ. Có một cái gì đó như… tai họa đang đến” (trang 161). “Trời tối dần, trăng muộn, không khí im ắng, căng thẳng, tất cả như chờ đón một cái gì đó sẽ đến… Đang nằm thoải mái thì B52 tới, chớp nhằng nhịt và bom nổ tới tấp ngay cửa hang, tất cả rung lên bần bật, gió xoáy vào hang, mù mịt…” (trang 162).

Và đây, “bất ngờ quá, Thọ đã hy sinh, mình thấy choáng váng… Xe thương binh đi qua, mình lao lên. Nguyệt bị sức ép mềm nhũn, Minh, Nga đều không hay biết gì…” (trang 159). Không chỉ trực tiếp chứng kiến, cái tang thương, khốc liệt của chiến tranh còn đến từ những cánh thư quê nhà. “Tin đau xót đến với bản thân bất ngờ quá làm tôi choáng váng. Ngày 18-8-1966, giặc Mỹ đã dã man mang máy bay đến oanh tạc quê nhà, cô Tuân đã chết… Trên Phủ Lý, kẻ thù đã san bằng toàn thị xã, gia đình phải về Đục Khê, nhà cửa không còn gì cả…” (trang 149).

Trong cái nền chiến tranh tàn khốc ấy, những đêm trăng xuất hiện như những biểu tượng hòa bình. “Trăng nhô lên sau núi. Trăng khuất lại sau mây. Trăng rười rượi ánh bạc. Trăng trải ánh sáng xuống núi rừng, khe suối, đẹp vô ngần. Dưới lòng suối, trăng trọn vẹn lung linh. Mỗi lần khuấy động lòng suối là một lần trăng tan ra từng vụn “lửa”. Muốn “bốc” trăng lên trải thành từng cụm “lân tinh” rải rác trên bờ… Muốn “bốc” trăng lên rải ánh sáng của nó vào mọi tâm hồn để tất cả đều chan hòa, đều rung động bởi ánh sáng này” (trang 32)…

Chiến sĩ Binh trạm 32 TNXP dẫn bộ đội trên đường Trường Sơn.

Đến đây tự nhiên tôi liên tưởng đến từ “tiểu tư sản thành thị” và lần đầu tiên trong đời tôi thích dùng từ này để gán đặt cho tác giả cuốn nhật ký. Giữa chiến tranh có người biết tranh thủ ngắm trăng, biết tranh thủ giờ nghỉ để đọc sách, đọc truyện, thường xuyên trăn trở, suy tư trước xung quanh, đồng đội và bản thân mình. Không ít lần trong nhật ký ta bắt gặp những dòng động viên thế này: “Gia đình mình vẫn thường đặt ra câu hỏi “Bản thân đã làm gì cho cuộc sống?” chứ không cầu mong cuộc sống đã làm gì cho bản thân! Đó là câu hỏi đúng đắn. Và bốn năm nay mình đã sống bằng câu hỏi đó…”. Ngay cả lúc chán chường nhất vì bị cơn sốt rừng hành hạ, tác giả cũng tự vấn: “Dù chỉ còn một tàn lực mình cũng nguyện cống hiến cho sự nghiệp có ích của cuộc đời. Đừng để bản thân rỗi rãi, đừng sống ích kỷ quá, đừng để tháng năm qua đi một cách vô vị…” (trang 382).

* * *

“Trong chiến tranh, thường xuyên bên cái chết, con người trở nên tốt hơn, mọi điều nhỏ nhen tầm thường biến mất, tựa như lớp da rộp nắng bong hết, trong con người chỉ còn lại cái lõi của nhân phẩm… đó là bản chất tuyệt đẹp của con người”.

Đoạn trên được tác giả trích dẫn từ truyện ngắn Tính cách Nga của nhà văn A.N. Tolstoy. Đó cũng là tính cách của TNXP, của người Việt Nam trong những cuộc chiến tranh vệ quốc. Dĩ nhiên, đó cũng là tính cách của tác giả những dòng nhật ký tôi vừa trích dẫn.

Cao hơn tình yêu

Mình rất yêu N., luôn luôn yêu N. Nhưng mình cứ phải luôn luôn tự hỏi: “Có được phép yêu hay không?”…

Con đường mòn dẫn chúng tôi tới dòng suối nhỏ cây cối um tùm. Đến đây, cả hai dừng lại. ... Trời như sẫm hơn, tối hơn. Trên đầu chúng tôi những cây lớn xõa tóc chằng chịt dây leo. Thiên nhiên thâm thúy quá. Nó như thôi thúc tôi mạnh hơn. Phải nói, nói đi thôi!...

- N. ạ! - cuối cùng tôi lên tiếng - Tôi muốn nói với N. một sự thật…

… Tôi dẫn N. đi thêm một đoạn nữa đến một khu đá kín đáo hơn. Tại đây, chúng tôi có thể nhìn rõ cả khoảng trời u ám phía trên, nhìn thấy cả khoảng rừng phía hai bờ lỗ chỗ vết bom B52. Không khí xem chừng có lạnh hơn. ..

- N., như vậy là chúng ta lại gặp nhau… Có lẽ tốt hơn hết là chúng ta đừng gặp nhau nữa… Sao! Nói đi N.

- N. đi về đây.

N. cúi mặt bước đi, không quay lại nhìn tôi… Tôi nắm hai vai N. và quay mạnh người cô lại. N. ngước mắt nhìn tôi. Đôi mắt mới lúc nãy còn trong vắt, tươi vui, giờ đây như có một đám mây lướt qua… Đôi mắt ấy giờ đây đẫm nước mắt…

N. hơi cúi đầu. Cô không cầm được nước mắt nữa. Hai tay nâng mặt N. lên, tôi nhìn thẳng vào mắt cô. … Hai mắt buồn bã nhìn không chớp, N. nép người vào tôi. Những sợi tóc lòa xòa trước trán, tôi nhẹ nhàng vuốt lên cho cô.

- N. ạ! Không còn cách nào khác cả. Dẫu sao N. cũng hãy trả lời tôi nhé, vào một ngày gần đây. Còn bây giờ trời tối rồi, tạm biệt.

Để N. đứng lại, tôi cố gắng bước đi không quay đầu. Nhưng tiếng gọi như nghẹn lại của N. đã giữ bước chân. N. níu cánh tay tôi, đôi mắt thẫn thờ.

- Tình cảm của chúng ta đẹp lắm. Nhưng còn có cái lớn hơn nhiều. Thông cảm N. nhé!

Tôi ra về. Trời đã sẫm lại, cái lạnh xem chừng ghê gớm hơn… Khắp nơi những chiếc lá vàng lả tả rơi trước mắt…

(Trích Nhật ký TNXP Trường Sơn 1965-1969, Trần Văn Thùy, NXB Văn hóa - Văn nghệ, trang 31, trang 282 - 287 và trang 389)

NGÔ THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới