Ngày 30-5, TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm cựu giảng viên Trường Cao đẳng (CĐ) Cần Thơ Trần Tuấn Kiệt về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Tòa đã bác kháng cáo của ông Kiệt và tuyên y án sơ thẩm một năm tù về tội danh nói trên. Đồng thời, tòa ra quyết định bắt giam bị cáo ngay tại tòa để đảm bảo thi hành án.
Đe dọa giết hiệu trưởng
Trần Tuấn Kiệt là người từng dọa giết ông TTL, Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, gây xôn xao dư luận. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Kiệt kháng cáo kêu oan, còn bị hại TTL kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo.
Theo hồ sơ, ông Kiệt làm giảng viên khoa Tự nhiên và được bổ nhiệm là trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế Trường CĐ Cần Thơ từ ngày 1-10-2015. Cáo trạng quy kết bị cáo Kiệt đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận để đăng trên trang mạng xã hội và cung cấp cho báo chí những thông tin nội bộ của Trường CĐ Cần Thơ khi chưa có sự đồng ý của ban giám hiệu nhà trường, gây ảnh hưởng đến uy tín của trường. Không những vậy, bị cáo Kiệt còn nhiều lần công khai đe dọa giết ông TTL, hiệu trưởng trường này, nhằm gây áp lực để ông L. và cơ quan chức năng chấp nhận yêu cầu của mình.
Bị cáo Kiệt đã bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng với hình thức khiển trách nhưng bị cáo không đồng ý và tiếp tục khiếu nại, đồng thời có lời lẽ đe dọa đối với ông L. Tại nhiều cuộc làm việc từ tháng 3 đến tháng 7-2017, dù có mặt hay không có mặt ông L., Kiệt vẫn công khai nói đã mài dao, đe dọa giết và đốt phòng làm việc của ông L. Do bị đe dọa nhiều lần nên ông L. lo sợ, tâm lý giáo viên trong trường cũng căng thẳng, hoạt động của trường bị xáo trộn…
HĐXX phúc thẩm nhận định bị cáo đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận vừa trực tiếp bình luận với nội dung mỉa mai, chỉ trích, bài bác, thậm chí đe dọa, đồng thời bị cáo cung cấp thông tin không xác đáng, không trung thực nhằm tạo ra dư luận xã hội rộng rãi. Mục đích của bị cáo là buộc những cá nhân và tổ chức bị đe dọa phải thay đổi quan điểm theo ý chí của bị cáo, phải chấp nhận yêu cầu không chính đáng, không hợp pháp của bị cáo.
Cựu giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ Trần Tuấn Kiệt đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: NHẪN NAM
Công an đang làm thủ tục bắt giam bị cáo Trần Tuấn Kiệt ngay tại tòa. Ảnh: NHẪN NAM
Không có biểu hiện bệnh lý
Tòa cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra từ giữa năm 2016 kéo dài đến đầu năm 2017 nên cần xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 258 BLHS năm 1999 (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân).
Bị cáo đã tạo ra dư luận hoài nghi đối với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, lãnh đạo Trường CĐ Cần Thơ, hoài nghi về hoạt động của nhà trường, tập thể cán bộ, viên chức của nhà trường. Tội phạm này gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Khi lượng hình, tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Theo lời khai của vợ bị cáo và những người lối xóm lân cận, bị cáo không có biểu hiện bệnh lý về tâm thần. Chính ý thức phạm tội ngông cuồng đã gây nên bệnh lý tâm thần nhất thời cho bị cáo.
Theo HĐXX phúc thẩm, mức hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là không nặng nên cần giữ nguyên mới đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội. Đây là hành vi phạm tội kéo dài nên không xem là phạm tội nhiều lần. Tòa cũng cho rằng không có căn cứ tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo như phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn.
Từ đó, tòa quyết định không chấp nhận kháng cáo của ông TTL và kháng cáo của bị cáo, đồng thời tuyên y án sơ thẩm một năm tù như đã nói trên.
Tòa kiến nghị xử lý thêm tội đe dọa giết người Theo HĐXX TAND TP Cần Thơ, bị cáo Trần Tuấn Kiệt đã nhiều lần phát ngôn hăm dọa sẽ giết chết ông TTL, Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ. Bản thân ông L. và những người xung quanh đã lo lắng thực sự nên đã có những biện pháp phòng ngừa. Do vậy, ngoài việc tuyên y án sơ thẩm, tòa còn kiến nghị Cơ quan CSĐT và VKSND quận Ninh Kiều xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về tội đe dọa giết người theo khoản 1 Điều 103 BLHS năm 1999. |