Bắt hai kẻ mạo danh thanh tra xây dựng

Chiều 19-7, Công an huyện Bình Chánh ra quyết định tạm giữ hình sự hai nghi can cùng quê ở Hậu Giang, gồm: Trần Văn Tú (31 tuổi) và Nguyễn Hoàng Mến (30 tuổi, có một tiền án về tội chống người thi hành công vụ) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu công an xác định Tú và Mến đã giả danh thanh tra xây dựng để “làm tiền” ba hộ dân ở địa phương, chiếm đoạt gần 17 triệu đồng.

Hoạnh họe đủ điều

Sáng 11-7, Tú và Mến đến căn nhà đang xây dựng dở dang của bà Nguyễn Thị Bông ở ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh và tự xưng là cán bộ UBND huyện Bình Chánh. Thấy Mến mặc áo giống thanh tra xây dựng, bà Bông phát hoảng vì nhà mình đang xây… không phép. Cả hai cau có, nạt nộ om sòm khiến bà Bông càng hoảng sợ nên vội dúi vào tay họ 1 triệu đồng tiền “trà nước”. Tuy nhiên, Tú gạt ngang và yêu cầu bà Bông phải đưa thêm 5 triệu đồng nữa để lo giấy phép xây dựng cho ngôi nhà của bà. Trong lúc đó, Mến không ngừng nhìn trước ngó sau căn nhà đang xây, đưa tay chỉ chỏ, hoạnh hoẹ đủ điều. Vì quá lo sợ, bà Bông đành chi thêm 4 triệu đồng nữa.

Bắt hai kẻ mạo danh thanh tra xây dựng ảnh 1

Hai nghi can giả thanh tra xây dựng làm tiền người dân vừa bị bắt giữ gồm: Trần Văn Tú (trái) và Nguyễn Hoàng Mến (phải). Ảnh: H.TUYẾT

Sau khi hai “cán bộ” bỏ đi, bà Bông nghi bị lừa nên đã đến Công an xã Lê Minh Xuân trình báo. Ngày 18-7, Tú cùng Mến tiếp tục đến nhà bà Bông vòi vĩnh thêm 2 triệu đồng nữa thì bị lực lượng công an phục kích bắt giữ.

Quá trình điều tra, Công an huyện Bình Chánh xác định ngoài vụ chiếm đoạt tiền của bà Bông, Tú và Mến còn thực hiện hai vụ khác tương tự. Cụ thể, giữa tháng 5, cả hai đến một căn nhà đang xây dựng ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh xưng là thanh tra xây dựng để lấy của bà Nguyễn Thị Thâm 10 triệu đồng. Ngày 16-7, cả hai tiếp tục dọa nạt để lấy của ông Phạm Văn Mỹ, chủ ngôi nhà đang xây dựng ở ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh 1,6 triệu đồng.

Cảnh giác với "chạy" dỡ nhà

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, huyện Bình Chánh là một trong những địa bàn “nóng” về tình trạng xây dựng sai phép, không phép (trong đó nở rộ nhất là ở hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B). Thực trạng này khiến UBND TP phải thành lập tổ công tác đặc biệt do giám đốc Sở Xây dựng làm tổ trưởng để cương quyết xử lý. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 8 tổ công tác sẽ phối hợp xử lý, cưỡng chế khoảng 800 căn nhà xây sai phép, không phép ở huyện Bình Chánh.

Một lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh cho biết thêm công an huyện đang lập hồ sơ các đầu nậu phân lô bán nền, chủ đất vi phạm để xử lý nghiêm theo pháp luật. Những kẻ giả danh cán bộ, lợi dụng chủ trương cưỡng chế nhà xây sai phép, không phép… để đi lừa đảo người dân (như hai trường hợp trên) cũng đang nằm trong “tầm ngắm”.

“Sắp tới, khi chủ trương tháo dỡ nhà không phép được triển khai quyết liệt ở địa bàn huyện Bình Chánh, có thể sẽ xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo với cách thức phổ biến là hăm dọa đủ điều rồi đòi tiền để chạy giấy phép xây dựng, lo lót để nhà dân không bị cưỡng chế. Những người đã xây nhà không phép do tâm lý lo sợ bị tháo dỡ rất dễ dính bẫy. Bà con nên cảnh giác” - vị lãnh đạo này nói.

Công an huyện Bình Chánh cũng đề nghị người dân nếu có người lạ tiếp cận đề nghị chi tiền giúp chạy giấy phép xây dựng hay tránh bị cưỡng chế nhà, công trình thì nên báo ngay cho công an địa phương. “Tốt nhất người dân nên có ý thức chấp hành quy định của pháp luật, tự tháo dỡ nhà không phép, sai phép nhằm tránh tổn thất tiền bạc và phiền phức về sau” - Công an huyện Bình Chánh khuyến cáo.

Cưỡng chế 13 căn nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc B

Ngày 19-7, UBND xã Vĩnh Lộc B tiến hành cưỡng chế 13 căn nhà xây không phép tại ấp 1B. Các trường hợp này đều được chính quyền thông báo từ nhiều ngày trước. Theo những người bị cưỡng chế, họ là dân lao động từ các tỉnh, thành khác vào TP.HCM sinh sống. Nghe lời hứa hẹn của đầu nậu, họ đã mua đất và cất nhà với chi phí từ 350 đến 450 triệu đồng. Riêng khoản “chung chi” để được làm ngơ trong quá trình xây dựng đã lên tới 50-60 triệu đồng.

“Hai vợ chồng làm công nhân, dành dụm nhiều năm và vay mượn khắp nơi mới có được 480 triệu đồng để xây nhà. Khi xây nhà, đầu nậu bảo cứ chung chi là yên tâm, không bị đập đâu. Giờ khi nhà bị tháo dỡ, hai vợ chồng gọi mãi mà người này không bắt máy” - bà Nguyễn Thị Mai, quê Bắc Ninh, cho biết

Một hàng xóm của bà Mai nói thêm: “Lúc xây thì có cán bộ TTXD xuống kiểm tra nhưng chỉ lập biên bản tịch thu bộ giàn giáo thôi. Sau đó, chúng tôi đưa thêm tiền cho đầu nậu chung chi thì không thấy TTXD nói năng gì nữa nên cứ yên tâm xây nhà. Ai dè đến giờ thì tiền mất tật mang”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 13 căn nhà vừa bị tháo dỡ mới hoàn thành trong thời điểm TP.HCM tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng (từ 15-5). Người dân cũng mới chuyển về đây ở cách đây vài tuần, thậm chí có người mới ở được mấy ngày.

Một lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A cho hay ngày 20-7 xã sẽ tiếp tục cưỡng chế tháo dỡ 17 căn nhà bán kiên cố đã được vận động tháo dỡ trước đó nhưng người dân chưa thực hiện.

N.NGHĨA - Q.NAM

HOÀNG TUYẾT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm