Khu rừng cổ xưa này đã có từ 7.000 năm trước và nằm dưới bề mặt cát hàng thiên niên kỷ.
Các gốc cây và những khúc gỗ bị đốn được che phủ bằng than bùn và cát hiện đã trồi lên mặt đất, trải dài 200m dọc bờ biển Low Hauxley gần Amble, Northumberland, Anh.
Các nghiên cứu cho thấy khu rừng này đã tồn tại khi mực nước biển còn rất thấp, khi Anh chỉ vừa mới tách ra khỏi phần lục địa mà hiện là Đan Mạch. Khu rừng có các loài cây sồi, phỉ và tổng quán sủi.
Khu rừng bắt đầu hình thành từ khoảng 5.300 năm TCN nhưng tới 5.000 TCN nước biển đã làm rừng bị ngập lụt và che phủ dưới mặt cát.
Hiện mực nước biển lại dâng cao để lộ ra những tàn tích của khu rừng.
Các nhà khảo cổ tin rằng Doggerland là một vùng đầm lầy trũng, rất nhiều loài động vật đã sinh sống ở đây, cũng như có sự xuất hiện người cổ đại.
Nhưng môi trường xung quanh thay đổi nhanh chóng đã dần dần hạn chế sự có mặt của động vật và con người ở châu Âu và Anh khi những đầm lầy này bị ngập lụt, không thể đi qua được.
Tiến sĩ Clive Waddington, Viện Nghiên cứu Khảo cổ học, cho biết: "5.000 TCN mực nước biển dâng cao nhanh chóng và làm ngập lụt đất liền.
Các cồn cát bị đẩy sâu hơn vào đất liền, vùi lấp khu rừng sau đó nước biển lại rút đi.”
"Hiện nay mực nước biển lại dâng cao, cuốn trôi các cồn cát và để lộ khu rừng.”, vị này cho biết thêm.
Khu rừng tồn tại trong cuối thời kỳ Mesolithic, khi con người còn săn bắn và hái lượm.
Ngoài các gốc cây, các nhà khảo cổ học cho biết họ đã phát hiện ra những dấu chân động vật, cho thấy nhiều loài động vật hoang dã đã lang thang trong khu rừng Doggerland cổ đại.
Tiến sĩ Waddington cho biết có những chứng cứ cho thấy con người đã sống gần khu vực đó 5.000 TCN. Vị này khẳng định "Trên bề mặt của than bùn, chúng tôi đã tìm thấy dấu chân của người lớn và trẻ em. Thông qua hình dáng dấu chân chúng tôi có thể biết được họ mang giày làm từ da động vật. Chúng tôi cũng đã tìm thấy những dấu chân động vật như hươu đỏ, lợn rừng và gấu nâu.”
Một nhánh rừng tương tự như khu rừng này cũng đã được phát hiện vào năm 2014, gần làng Borth, Ceredigion, ở Wales, sau khi một loạt các cơn bão mùa đông cuốn trôi hết lớp than bùn che phủ khu rừng.
Than bùn có khả năng bảo tồn cây và xác của động vật rất tốt vì chứa ít oxy, hiệu quả trong việc ngăn vi khuẩn phá hủy các chất hữu cơ, do đó bảo tồn các chất hữu cơ trong hàng ngàn năm.
Nhưng ở khu vực ven biển, nơi khu rừng mới được phát hiện, cũng như ở Wales và Northumberland, nước biển dâng cao đã cuốn trôi lớp than bùn này và để lộ dấu tích cổ đại của Anh.