Phát hiện này được công bố vào thứ Ba (26-4) vừa trùng hợp khi dịp Ngày của Mẹ đang đến gần.
Theo các nhà nghiên cứu, hóa thạch của người mẹ có kích thước khoảng 160 cm. Đứa trẻ trong vòng tay người mẹ có chiều dài khoảng 50 cm.
Đây là phát hiện nổi bật trong số 48 bộ hài cốt được khai quật ở Đài Loan. Các nhà nghiên cứu đã rất bất ngờ khi khám phá được những dấu hiệu đầu tiên của hoạt động con người ở miền trung Đài Loan, điển hình là khoảnh khắc thiêng liêng của tình mẫu tử thể hiện qua bộ hóa thạch 4.800 tuổi.
Hóa thạch của người mẹ đang ôm trọn đứa con trong vòng tay có niên đại 4.800 năm (Ảnh: Reuters)
Các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp định tuổi bằng carbon để xác định niên đại của hóa thạch, được nhận định rơi vào khoảng thời Neolithic - thời kỳ đồ đá.
Công cuộc khai quật bắt đầu từ tháng 5-2014 và mất một năm để hoàn thành.
"Khi hóa thạch được khai quật, tất cả các nhà khảo cổ học và nhân viên đều bất ngờ trước hình ảnh người mẹ đang âu yếm xuống nhìn đứa bé trên tay mình."- Chu Whei-lee, phụ trách Khoa Nhân học tại Bảo tàng quốc gia về Khoa học tự nhiên của Đài Loan, cho biết.
Trước đó, các nhà khảo cổ cũng đã khai quật hài cốt của một người mẹ đang bảo vệ cho con mình trong một trận động đất tại tỉnh Thanh Hải, miền Trung Trung Quốc. Bộ hài cốt mệnh danh “Pompeii của phương Đông” được xác định có niên đại từ thời đồ đồng, theo People’s Daily Online.
Các bức ảnh về những mảnh xương được tìm thấy cho thấy hình ảnh một người mẹ đang quỳ trên sàn nhà, dang tay che chở đứa con của mình.