Xác ướp bào thai 2.000 năm tuổi

Khi các nhà khảo cổ học lần đầu tiên phát hiện quan tài dài 44 cm vào năm 1907 (ảnh), họ cho rằng bọc nhỏ bên trong chứa cơ quan nội tạng ướp khô của người chết trước khi chôn cất. Sau đó, quan tài được trưng bày ở bảo tàng Fitzwilliam ở Cambridge, Anh.

Các nhà Ai Cập học ở bảo tàng từng cố gắng xem xét bên trong lớp băng cuốn bó chặt bằng tia X nhưng kết quả không giúp đưa ra kết luận. Họ tiếp tục sử dụng máy quét chụp cắt lớp vi tính và cuối cùng có thể nhìn rõ hình dáng của một hài nhi bị sảy. Kết quả chụp cắt lớp vi tính còn giúp nhóm nghiên cứu ước tính tuổi của thai nhi khi sảy. Theo Independent, đứa trẻ sảy ở tuần 16-18 của thai kỳ.

“Từ bản chụp cắt lớp vi tính, có thể thấy thai nhi gập chéo tay trước ngực. Tư thế này cùng với độ tinh xảo của quan tài tí hon và cách trang trí là bằng chứng rõ ràng chỉ ra tầm quan trọng của nghi thức chôn cất trong xã hội Ai Cập cổ đại” - đại diện bảo tàng Fitzwilliam cho biết.

Trước đây, các nhà khoa học từng phát hiện thai nhi được ướp xác trong mộ vua Tutankhamun, ước tính qua đời ở tuần 25 và 37 của thai kỳ nhưng phát hiện mới là xác ướp bào thai nhỏ tuổi nhất.

Xác ướp thai nhi có niên đại 2.000 năm tuổi với 10 ngón tay và ngón chân được bảo quản hoàn hảo này hé lộ nhiều điều về hệ thống tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại. Đối với họ, một đứa trẻ chưa ra đời vẫn có cơ hội trải qua cuộc sống ở thế giới bên kia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm