Bất ngờ trước kết quả phiên tòa phúc thẩm vụ cô giáo Dung ở Nghệ An

(PLO)- Theo HĐXX phúc thẩm, hành vi phạm tội của bị cáo Dung là liên tục kéo dài; việc cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết phạm tội hai lần trở lên là chưa đúng, gây bất lợi cho bị cáo...; từ đó tòa tuyên giảm án cho bị cáo Dung từ 5 năm xuống còn 15 tháng tù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-6, sau hai ngày xét xử, TAND tỉnh Nghệ An đã giảm án cho bị cáo Lê Thị Dung (nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) và bị cáo Nguyễn Thị Hương (nguyên kế toán của trung tâm này).

HĐXX tuyên phạt bị cáo Dung 15 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (án sơ thẩm phạt bị cáo Dung năm năm tù); miễn hình phạt cho bị cáo Hương (án sơ thẩm phạt bị cáo Hương hai năm tù nhưng cho hưởng án treo).

Bị cáo Dung bị tạm giam từ ngày 28-3-2022, đến ngày 28-6-2023 là tròn 15 tháng.

Phiên tòa xét xử bị cáo Dung và bị cáo Hương. Ảnh: ĐẮC LAM
Phiên tòa xét xử bị cáo Dung và bị cáo Hương. Ảnh: ĐẮC LAM

Nhận định của HĐXX khi giảm án

Theo HĐXX phúc thẩm, quá trình điều tra vụ án không vi phạm tố tụng. Bản án sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội. Hành vi phạm tội của bị cáo Dung là liên tục kéo dài. Việc cấp sơ thẩm khởi tố, truy tố, xét xử áp dụng tình tiết phạm tội hai lần trở lên là chưa đúng, gây bất lợi cho bị cáo.

Bị cáo Dung thành khẩn khai báo, quá trình công tác có nhiều thành tích xuất sắc, gia đình có công với cách mạng…

Quá trình điều tra, xét xử ở hai cấp tòa, bị cáo đã khai nhận đầy đủ về việc xây dựng quy chế, kê khai quy đổi để được thanh toán, số tiền đã nhận, đúng với các tài liệu có tại hồ sơ vụ án. Điều này thể hiện bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội, nên có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS. Ngoài ra, quá trình công tác, bị cáo Dung có nhiều thành tích xuất sắc nên được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ tại điểm v khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS.

Bị cáo Hương là cấp dưới của bị cáo Dung nên là người có quan hệ lệ thuộc; thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức, không được hưởng lợi; sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã có hành vi ngăn ngừa (không cho bị cáo Dung thanh toán năm 2017, 2018), sau đó chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác và cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan với cơ quan điều tra; tố giác hành vi sai phạm của Lê Thị Dung; khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; quá trình công tác có nhiều thành tích, danh hiệu; gia đình có công với cách mạng.

VKS đề nghị hủy án

Trước đó, đại diện VKSND tỉnh Nghệ An đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại với lý do cấp sơ thẩm chưa làm rõ được các nội dung: Đi học cao học, đi tập huấn, làm bí thư chi bộ, làm công tác tuyển sinh, làm ngoài giờ, hội họp, công tác thi đua, thanh tra... nếu quy đổi thành tiết dạy đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ để thanh toán, áp dụng cho Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên có trái pháp luật hay không, nếu trái thì trái quy định pháp luật nào?

VKS đặt vấn đề: Đối với người làm công tác quản lý, việc chi phụ cấp đã thực hiện theo chế độ nhà nước Quy định (tức là thanh toán lần một), nếu tiếp tục đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ, chuyển đổi thành tiết học để thanh toán lần hai thì có trái pháp luật hay không…

Ngoài ra, theo VKS, cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ trách nhiệm của các bị cáo đối với khoản thiệt hại hơn 175 triệu đồng đã thanh toán cho một số cán bộ, giáo viên trung tâm.

Trong khi đó, các luật sư bào chữa cho rằng có nhiều dấu hiệu vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố; các căn cứ buộc tội mà cấp sơ thẩm đưa ra là không đúng, không khách quan, toàn diện, suy diễn, áp đặt, vi phạm quy tắc suy đoán vô tội. Việc áp dụng Thông tư 28/2009 của Bộ GD&ĐT để làm căn cứ buộc tội bị cáo Dung, theo luật sư là “cố tình gọt chân cho vừa giày” bởi thông tư này không áp dụng cho Trung tâm GDTX - là loại hình giáo dục đặc thù, tự chủ một phần kinh phí hoạt động…

Các luật sư đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên bị cáo Dung vô tội.

Vì sao đưa tiết dạy vào quy chế chi tiêu nội bộ?

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Dung lý giải việc đưa tiết dạy vào quy chế chi tiêu nội bộ: “Chúng tôi không ghi thẳng số tiền và nội dung cụ thể khác vào quy chế chi tiêu nội bộ mà phải xây dựng bằng tiết (tiết dạy học), bởi vì đối với giáo viên phải bằng tiết.

34 tuần thực dạy nhưng chúng tôi phải làm việc 37 tuần. Vì vậy, để công bằng bình đẳng, để đúng pháp luật chúng tôi xây dựng tiết để tính. Và tiết ở đây chúng tôi tính đó là đi làm việc hành chính thì theo 40 giờ/tuần chia cho năm ngày. Chúng tôi lấy 17 tiết chia cho năm ngày để được một ngày là 3,4 tiết nhưng hội đồng vẫn bàn bạc thống nhất là ba tiết. Như vậy chúng tôi nghĩ không thể nói là phải cho tiền (hỗ trợ). Nếu cho tiền là không công bằng. Nếu cho tiền thì việc đó anh đi làm nhưng việc khác lại thiếu đi, lấy gì để bù đây?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm