Bất ngờ với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025

(PLO)-Tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo sẽ đạt con số 7% trong năm 2024.

Tại Hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội", do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay 12-12, ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2024 sẽ vượt kế hoạch đặt ra.

Trước đó, Việt Nam đặt kế hoạch mục tiêu tăng trưởng GDP là 5,5-6% cho năm 2024. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2024, tăng trưởng GDP đạt mức 6,82%. Kết thúc năm 2024, GDP dự báo đạt 7,06%.

Theo ông Khôi, năm 2025, triển vọng kinh tế có nhiều điểm sáng. Đó là lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm 2025.

Cả ba khu vực kinh tế tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn. Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước. Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng, đường điện cao thế 500kv mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo ổn định năng lượng giữa các vùng, nhất là vào mùa khô.

Thu ngân sách nhà nước trong năm 2024 tăng mạnh là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển. Một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực.

Theo ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Citi Việt Nam, trong thời gian tới kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng. Tăng trưởng GDP tiếp tục tăng trong những năm tới và giúp thu nhập bình quân đầu người tăng, trong khi đó dân số trẻ, thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, sẽ kích thích tiêu dùng nội địa.

Các biện pháp cải cách mạnh mẽ như sáp nhập, tinh giản bộ máy đã góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao khả năng ứng phó của nền kinh tế trước những biến động bất ngờ.

Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Ngành ngân hàng cũng hưởng lợi từ những chuyển biến tích cực này, đồng thời việc mua lại trái phiếu đã góp phần hạn chế tình trạng doanh nghiệp phá sản.

"Ngày càng nhiều tổ chức quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, cũng là một điểm sáng tích cực" - ông Trung nói.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu cho biết, năm 2024 đã là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam bởi đã có rất nhiều biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Xung đột tại Ukraine và Trung Đông và mới đây những biến cố tại Hàn Quốc và Syria là những điểm nóng hiện nay. Đồng thời, một sự kiện đáng chú ý khác là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sự thắng cử của ông Donald Trump cho nhiệm kỳ thứ hai 2025-2028.

Những yếu tố này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tài chính và các thị trường khác trên thế giới. Việt Nam, với độ mở lớn vào thị trường quốc tế, không nằm ngoài vòng tác động.

Dẫu vậy, chúng ta vẫn giữ được một số điểm sáng, như kiểm soát được lạm phát ở mức khả quan, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trong năm 2024. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, và đến thời điểm này, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt gần 7%.

Theo ông Hiếu, năm 2025, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Gần đây công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ, Nvidia, đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN.

Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để cho một giai đoạn phát triển mới. Những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới