Bất ngờ với nước mắm siêu đắt, tiêu 22 triệu đồng/kg

Bằng tài năng và sự sáng tạo của các ông chủ doanh nghiệp Việt, những sản phẩm bình dân đã biến thành hàng hiệu chất lượng cao với giá đắt gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với mặt hàng cùng loại.

Đáng chú ý, dù giá đắt nhưng những mặt hàng như mì tôm 100.000 đồng/gói, chai nước mắm tiền triệu, tiêu ăn liền giá lên đến hàng chục triệu đồng mỗi ký… vẫn đắt khách trong và ngoài nước.

Tiêu được bón phân hữu cơ tự ủ từ trứng, sữa, cua và lá cây chùm ngây

Tiêu ăn như kẹo giá 22 triệu đồng/kg

Trong khi giá tiêu khô bán trên thị trường hiện nay chỉ dao động quanh mức 65.000-70.000 đồng/kg thì các sản phẩm tiêu mang nhãn hiệu Bầu Mây lại có giá bán thấp nhất 1-2 triệu đồng/kg. Thậm chí có sản phẩm tiêu không hạt có giá lên tới 22 triệu đồng/kg.

Vì sao sản phẩm này có giá siêu đắt như vậy? Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp thương mại du lịch Bầu Mây (Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết: Thay vì hạt tiêu chỉ bán như một loại gia vị thông thường thì công ty của ông đã tạo ra những sản phẩm hạt tiêu cao cấp có thể ăn trực tiếp. Nghĩa là sản phẩm này có thể sử dụng như một loại thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe và có giá trị kinh tế cao.

Không dừng lại ở đó, ông Nhâm đã tạo ra nhiều sản phẩm tiêu ăn trực tiếp mang lại giá trị xuất khẩu khủng, như tiêu sữa có thể dùng cho trẻ từ hai tuổi trở lên hay tiêu một nắng có giá hơn 2 triệu đồng/kg. Đặc biệt, loại tiêu không hạt khô giòn có thể ăn như ăn kẹo hay trái cây có giá lên tới 22 triệu đồng/kg được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp, Dubai, Úc ưa chuộng.

“Tiêu Bầu Mây của công ty tôi được bón phân hữu cơ tự ủ từ trứng, sữa, cua và lá cây chùm ngây. Đây đều là những thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Khi cây tiêu được “ăn ngon” thì mới cho ra hạt tiêu ngon, thơm và nhiều chất dinh dưỡng tốt cho con người” - ông Nhâm chia sẻ.

Cũng nhờ loại “phân bón” đặc biệt tự ông Nhâm sáng tạo này đã giúp cải thiện hàm lượng hạt tiêu. Theo đó tỉ lệ nhân không có, tỉ lệ cơm tăng lên, vỏ dày hơn và đặc biệt là tạo ra giống tiêu không hạt có một không hai. Ngoài ra, để đáp ứng những tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe, ông Nhâm cho biết vùng trồng tiêu của công ty đều đạt chuẩn GlobalG.A.P., hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đạt chứng nhận ISO.

Một điều đặc biệt nữa là Công ty Bầu Mây bao tiêu sản phẩm với giá ổn định cao gấp 3-5 lần so với giá tiêu bán trên thị trường. Đơn cử hiện nay, giá tiêu trung bình ở mức 65.000-70.000 đồng/kg, có thời điểm giá xuống dưới 50.000 đồng/kg khiến nông dân nhiều địa phương chặt bỏ tiêu để trồng nông sản khác. Thế nhưng, Bầu Mây vẫn đang mua tiêu của nông dân với giá hơn 150.000 đồng/kg.

“Mình cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật cho từng hộ nông dân, thuyết phục họ tuân thủ trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ mà mình đặt ra để thu được sản phẩm chất lượng” - ông Nhâm nói.

Tiêu, nước mắm… siêu đắt do doanh nghiệp Việt sản xuất.
Ảnh: P.MINH - Q.HUY

Nước mắm tôm tít sang chảnh như rượu vang

Sống ở vùng biển Phan Thiết (Bình Thuận), từng thưởng thức sự tinh túy nhất của nước mắm làng nghề nên ông Bùi Đức Hảo, Chủ hãng nước mắm Sen, luôn ấp ủ ý tưởng nâng tầm nước mắm Việt ở đẳng cấp cao hơn.

“Dù nước mắm truyền thống đang bị cạnh tranh gay gắt bởi nước mắm công nghiệp nhưng vẫn có nhiều người muốn tìm kiếm những chai nước mắm ngon, mang đậm khẩu vị Việt cho bữa ăn gia đình. Thực tế nước mắm ngon rất hiếm bán trên thị trường, nó chỉ dừng lại ở những làng nghề để chính người làm nước mắm thưởng thức” - ông Hảo chia sẻ.

Trong một lần ông Hảo nói chuyện và chia sẻ về câu chuyện nước mắm với một người bạn vốn là chuyên gia ẩm thực, hai người cùng quan điểm phải giữ gìn nét đẹp đặc trưng của nước mắm truyền thống. Chính vì vậy, ông Hảo quyết định tạo ra một loại nước mắm thật ngon và dĩ nhiên giá không rẻ. “Nếu làm nước mắm bình dân sẽ dễ dàng chìm lấp với các thương hiệu khác, chưa kể nước mắm truyền thống đang bị cạnh tranh gay gắt với nước mắm công nghiệp” - ông Hảo nói.

Là một kiến trúc sư, từng thiết kế cho giới nhà giàu nên ông chủ nước mắm Sen biết trên thị trường có rất nhiều người có tiền và họ sẵn sàng chi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho thực phẩm ngon, đắt giá. Do đó, ông quyết định làm ra loại nước mắm cao cấp đánh vào phân khúc người có tiền.

Tuy nhiên, không như cách làm nước mắm thông thường, ông Hảo và người bạn không dùng cá để làm nước mắm mà dùng nguyên liệu tôm tít. Việc chọn tôm tít làm nguyên liệu nước mắm cũng là một kỳ công. Tôm tít chỉ mua loại được đánh bắt vào mùa xuân, vì đây là mùa mà theo ngư dân hải sản ngon.

Tôm tít được chọn theo một kích cỡ chuẩn chứ không phải là con to, con nhỏ và phải còn sống. Sau đó, những con tôm này được đưa vào phá Tam Giang để nuôi nhằm vỗ béo và nhả bớt độ mặn. Khi con tôm đạt đủ độ chuẩn theo yêu cầu mới đem đi làm nước mắm theo công thức riêng. Muối để ướp chượp làm nước mắm phải là muối Sa Huỳnh.

Nước mắm siêu đắt do doanh nghiệp Việt sản xuất.
Ảnh: P.MINH - Q.HUY

“Nước mắm làm từ tôm tít không có độ đạm cao như cá nhưng lại cho ra loại nước mắm tròn vị, thơm và đủ độ ngọt” - ông Hảo nhận xét.

Nước mắm đã ngon và độc đáo cần đi đôi với mẫu mã. Ông Hảo vốn không thích thú gì những chai nước mắm đựng trong chai nhựa vì theo ông, làm như vậy “chỉ hạ giá trị nước chấm lừng danh của Việt Nam”.

Dưới con mắt nhà nghề của kiến trúc sư, ông Hảo quyết định thay đổi kiểu dáng chai nước mắm. Nó phải sang trọng và tinh tế để thu hút khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bề ngoài thiết kế sang trọng như những chai rượu Tây, bên trong đó ông chu đáo kèm theo một vòi rót như trong các nhà hàng cao cấp dùng để rót rượu.

Ông Hảo đang bán một chai nước mắm với giá 2 triệu đồng. Đặt con số này bên cạnh những chai nước mắm thông thường là một sự khác biệt về độ chênh lệch giá.

“Nhiều người bỏ cả chục triệu đồng mua chai rượu uống hết ngay trong buổi tiệc nhưng chai nước mắm có thể sử dụng được cả năm” - ông Hảo lý giải vì sao nước mắm của công ty lại đắt như vậy.

Một điều lý thú khác, khi người dùng cảm nhận ngon thì họ có xu hướng quay lại mua dùng thường xuyên, do đó công ty sản xuất không kịp cho các đơn hàng đặt mua. “Đây không chỉ là thắng về bài toán kinh doanh, mà quan trọng là nước mắm truyền thống vẫn trong tâm khảm nhiều người nếu biết cách làm, đáp ứng đúng nhu cầu” - ông Hảo tâm đắc.

Độc đáo điều snack, điều mật ong

Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng giám đốc Công ty Tanimex Long An, cho biết nhiều công ty chế biến điều đã từng bước đầu tư cho các dòng sản phẩm chế biến sâu thay vì xuất khẩu sản phẩm thô như trước đây.

Những sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao như điều rang muối, điều snack, điều mật ong, điều wasabi… đã bán được ở thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng nhiều. Đặc biệt, những sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Thái Lan, Hong Kong và Trung Đông.

Không chỉ vậy, các công ty Việt có khả năng tạo ra những sản phẩm an toàn, sạch và đặc sắc. Trong đó, một số công ty trồng điều theo hướng hữu cơ nên mở rộng được cả thị trường trong nước lẫn quốc tế và tiếp cận đến nhóm khách hàng có tiền, thu nhập cao.

Tiêu siêu đắt do doanh nghiệp Việt sản xuất. Ảnh: P.MINH - Q.HUY

Nhu cầu mua hàng cao cấp sẽ còn tăng mạnh

Dù trong giai đoạn xảy ra dịch COVID-19 nhưng sức mua của tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam vẫn khá cao, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị và thương hiệu. Bằng chứng là tiếp tục có thêm nhiều thương hiệu tên tuổi hiện diện ở Việt Nam.

Hãng nghiên cứu thị trường Statista cho hay bất chấp đại dịch, doanh thu của thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam dự kiến đạt 1,14 tỉ USD trong năm 2021. Tính chung giai đoạn 2021-2025, thị trường hàng xa xỉ Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 7,2%.

Nhiều chuyên gia dự báo sức tiêu thụ các mặt hàng cao cấp sẽ tăng mạnh trong những năm tới, kể cả hàng thực phẩm hay công nghệ. Đó là điều tất yếu khi thu nhập của nhiều người tăng lên. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều công ty Việt tung ra thị trường nội địa nhiều mặt hàng cao cấp chất lượng cao. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm