Trước đây, chương trình truyền hình thực tế, game show giải trí trên truyền hình chỉ có vào những ngày cuối tuần và khung giờ 20-22 giờ. Bây giờ, các chương trình này trải dài từ thứ Hai đến Chủ nhật và mọi khung giờ đều có game show.
Hơn 70 chương trình giải trí đang phát sóng
Theo thống kê sơ bộ, danh sách chương trình truyền hình thực tế, thi hát, ca nhạc, hài, game show tương tác chỉ thuần giải trí trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) và Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL) thì hiện có hơn 70 chương trình đang phát sóng. Tất cả khung giờ các chương trình này phát sóng chính là khung giờ dành cho các chương trình giải trí là truyền hình thực tế, thi hát, ca nhạc, hài, game show; hết chương trình này sẽ có chương trình khác thay thế. Có những chương trình được phát lại chính trên kênh đó lẫn các kênh trong hệ thống của đài, chưa kể thông qua YouTube của nhà sản xuất hoặc của đài.
Trong đó, cụ thể Đài Truyền hình TP.HCM (chỉ tính HTV7, HTV9 và HTV2) có ít nhất 36 chương trình là game show, truyền hình thực tế, thi ca hát và diễn hài, trong đó 80% chương trình phát trên kênh HTV7. Ngoài các chương trình có chiến dịch truyền thông thì cũng vô vàn chương trình thầm lặng sản xuất như Siêu sao đoán chữ, A bạn đây rồi, Vui ca đoán giọng, Ngạc nhiên chưa, Đối thủ xứng tầm, Biệt đội X6, Nhóc cưng siêu đẳng, Siêu thị cười…Chỉ khi nào có sự cố như nghệ sĩ Trung Dân lên tiếng về Hương Giang Idol ở hậu trường ghi hình thời gian qua, truyền thông mới biết đến sự tồn tại của Siêu sao đoán chữ.
Trên Đài Truyền hình Việt Nam chỉ tính VTV3, VTV6 và VTV9 cũng đang có ít nhất 26 chương trình giải trí kiểu trên, trong đó khoảng 70% trên VTV3. Các chương trình trên VTV có chiến dịch truyền thông lớn hơn, rất hiếm chương trình thầm lặng sản xuất. Và đài địa phương mới nổi Truyền hình Vĩnh Long, chỉ riêng kênh THVL cũng có chục game show, truyền hình thực tế: Tài tử tranh tài, Tình Bolero hoan ca, Vợ tôi là số 1, Ai sẽ thành sao, Cà phê cười, Ban nhạc quyền năng, Ngôi sao phương Nam, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Hãy nghe tôi hát…
Áp lực đồng tiền sau những tiếng cười
Những thống kê trên chưa kể chục sêri sitcom truyền hình đang phát sóng trên tất cả đài với lui tới những gương mặt diễn viên, nghệ sĩ quen thuộc. Cùng đó là rất nhiều chương trình truyền hình thực tế mang yếu tố công tác xã hội có sự tham gia của các diễn viên, nghệ sĩ.
Ơn giời, cậu đây rồi! là chương trình bị truyền thông phản ứng vì nhảm nhí nhưng rating thuộc hàng “cao thủ” trên VTV3. Ảnh: BTC
Lịch chương trình dày đặc như thế, diễn viên, nghệ sĩ sắp lịch để lên truyền hình đã muốn ná thở thì cũng dễ hiểu khi họ lấy đâu thời gian chọn lựa, đọc kỹ càng kịch bản… Tuy nhiên, việc trách móc nghệ sĩ chỉ là bề nổi khi đằng sau màn ảnh, sau những tiếng cười vui vẻ là áp lực đồng tiền, người xem khiến bao nhà sản xuất đau đầu.
Một nhà sản xuất muốn chương trình “sống” được trên đài không phải chỉ chăm chăm ở việc tìm được tài trợ cho kinh phí sản xuất chương trình mà họ còn phải đảm bảo việc khi phát sóng chương trình có được bao nhiêu spot quảng cáo.
Theo bảng giá quảng cáo mới cập nhật đầu tháng 5 này của Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình Việt Nam (TVAd), một spot quảng cáo 10 giây trong chương trình The Face (Gương mặt thương hiệu) có giá 125 triệu đồng/spot; trong chương trình Gương mặt thân quen nhí có giá 175 triệu đồng/spot; trong chương trình Ơn giời, cậu đây rồi! là 185 triệu đồng/spot. Tuy nhiên, đây chỉ là con số công bố, giá quảng cáo trong, trước và sau các chương trình truyền hình thực tế, game show trên các đài phụ thuộc rất lớn vào rating và việc thương lượng đằng sau… bảng giá.
Các nhà sản xuất chiêu trò cùng nhau
Chính vì thế, cuộc chiến giành khách hàng quảng cáo là một cuộc chiến dài hơi của các ông trùm quảng cáo trên truyền hình. Từng có nhà sản xuất trầy trật bao năm, ngậm đắng nuốt cay sản xuất rất nhiều chương trình giải trí tốt, nhân văn nhưng khi nhà sản xuất này không nắm quảng cáo của đài thì chương trình của họ chỉ lọt chọt vài ba nhãn hàng lẻ quảng cáo cho vui. Và có nhà sản xuất chính là trùm quảng cáo của đài đã có những quyền sinh sát với các nhà sản xuất nhỏ bằng các lệnh miệng, rỉ tai các nhãn hàng rằng nếu nhãn hàng A quảng cáo trên chương trình của nhà sản xuất kia thì lập tức họ cắt quảng cáo của nhãn hàng đó khỏi đài. Sở dĩ họ có quyền lực bởi họ là nơi đem về nguồn thu chính cho các nhà đài.
Song song với trò “bẩn” giữa các nhà sản xuất ở góc độ quảng cáo, góc độ truyền thông cũng lắm trò. Không ít chương trình khi đến gần chung kết, một loạt phóng viên nhận được tin nhắn nặc danh tố chương trình sắp xếp kết quả; một phim truyền hình đang hot lại có email nặc danh tố nội dung phim này nọ…
Và cũng vì rating, rất nhiều chương trình có rating cao hiện tại ngoài chiến dịch quảng bá trên các kênh truyền thông thì chính họ cũng tạo chiêu trò, tạo ra thị phi. Đã từ lâu lắm rồi, một chương trình làm sạch sẽ, không có chiêu trò sẽ không hot. Nhiều nhà sản xuất từng tự than thân trách phận rằng chương trình mình sạch quá, giờ không biết làm sao cho hot. Và hot ở thời nay không chỉ có khen, có chê, thậm chí chê thậm tệ, khán giả lại nhào vào coi.
Bởi thực tế không thể bỏ là khi càng hot, rating càng cao thì lượng quảng cáo càng tăng. Nhiều khán giả tinh ý chỉ cần ngồi đếm quảng cáo có thể biết được lượng người xem của chương trình. Thế nên chăng giải trí trên truyền hình hiện tại không thể chỉ đổ cho hài nhảm, cho nghệ sĩ nhảm mà còn cả chính các nhà sản xuất chiêu trò dẫn mũi được cả truyền thông và công chúng?
Người trong cuộc nói gì? Chúng tôi vẫn chưa có được ý kiến từ các đài truyền hình, những đơn vị chịu trách nhiệm chính cho tình trạng bùng nổ game show mà chất lượng không đi kèm với số lượng. Dưới đây là ý kiến của hai nhà sản xuất đã và đang hợp tác sản xuất chương trình trên các đài truyền hình. Ông NGUYỄN THANH PHÚ, Giám đốc Jet Studio, nhà sản xuất game show: Dư luận tẩy chay game show là hơi nặng Mỗi nhà sản xuất đều có tiêu chí cho từng game show của mình rồi bám theo tiêu chí đó mà làm chương trình. Mỗi nhà sản xuất cũng có một cơ chế riêng để duyệt chương trình của mình, các đài cũng không nơi nào chủ trương dễ dãi trong việc duyệt chương trình lên sóng. Mỗi giai đoạn truyền hình và khán giả đều có một xu hướng nổi trội. Hãy nhớ lại trước đây truyền hình có xu hướng chiếu và xem phim truyền hình Âu Mỹ, sau đó là làn sóng phim Hong Kong, rồi đến phim Hàn, phim Việt, phim Trung Quốc, bây giờ là phim Ấn Độ rộ lên. Game show đang là xu hướng hiện nay nên dư luận đưa ra chuyện tẩy chay nó là hơi nặng. Đang trong giai đoạn này có quá nhiều game show nên khán giả bội thực, bắt đầu có sự so sánh, nhìn nhận, sàng lọc ra những chương trình nào có thể tồn tại. Chúng ta đang ở giai đoạn nào thì phải đáp ứng xu hướng của giai đoạn đó. Nhà sản xuất như chúng tôi luôn cố gắng đưa ra những chương trình có giá trị về mặt nhân văn, ý nghĩa tư tưởng, giá trị nghệ thuật để đáp ứng giai đoạn game show là chính này để có chương trình hay hơn, được khán giả chấp nhận. Đạo diễn VŨ THÀNH VINH, Giám đốc truyền thông Khang, nhà sản xuất game show: Nhà sản xuất phải nhận trách nhiệm
Nhà sản xuất phải nhận trách nhiệm về chất lượng game show do mình làm. Bất cứ điều gì cũng sẽ có mặt tốt, mặt xấu, cái hay, cái dở. Chúng ta không thể nhìn vào những game show có chuyện bị phê phán mà không làm game show nữa. Chúng ta phải coi đó là yêu cầu, thử thách để làm tốt hơn nữa. Chúng tôi làm chương trình không phải lúc nào cũng chạy theo rating, lời lãi, vì có những chương trình lời ít nhưng đóng góp cho sự phát triển, định hướng cho xã hội thì chúng tôi vẫn đầu tư. HÒA BÌNH ghi ______________________________ Khi được hỏi về các chương trình game show gần đây của VTV, nhiều chương trình có nội dung không phù hợp, ông Nam đặt câu hỏi về việc ai đánh giá những nội dung đó, đồng thời nói: “Nếu có chương trình nào không tốt thì các cơ quan chức năng đã xử lý”. Về quan điểm chi tiết, ông Nam cho biết sẽ trả lời phóng viên qua email. Ông NGUYỄN HÀ NAM, Trưởng ban Thư ký biên tập, người phát ngôn Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) |