Bát nháo game show trẻ em

Hiện tại, không chỉ khi vào mùa hè mà trong suốt năm học chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng, game show với đối tượng người chơi lẫn người xem là trẻ em đang tràn ngập: Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids); Thần tượng âm nhạc nhí (Vietnam Idol Kids); Thần tượng tương lai; Tuyệt đỉnh song ca nhí; Cháu ơi, cháu à; Người hùng tí hon; Thử tài siêu nhí; Biệt tài tí hon; Siêu nhí tranh tài; Gương mặt thân quen nhí; Tiếu lâm tứ trụ nhí; Con đến từ hành tinh nào?… Cả game show mà ở đó trẻ em là người huấn luyện người lớn như Sinh ra để tỏa sáng (Born to shine).

Thánh hài, thánh nói khắp các chương trình

“Thánh hài, thánh nói, siêu nhí, thần đồng, tài năng”… là những cụm từ được rất nhiều nhà sản xuất nhắc đến khi nói về thí sinh của mình. Thế nhưng tài năng nhí cũng chỉ chừng đó gương mặt tới lui, rồi cũng không biết đi đâu về đâu.

Gần đây, các chương trình thường tìm kiếm tài năng từ YouTube. Rất nhiều gương mặt thí sinh nhí là những “hiện tượng mạng” trước đó, điển hình nhất là Ku Tin (Huỳnh Minh Hoàng). Ku Tin với vóc dáng tròn lủm và giọng nói pha cắc cớ của người lớn đã là gương mặt của rất nhiều game show: Thách thức danh hài; Người hùng tí hon; Thử tài siêu nhí… hàng loạt clip nhảy múa trên YouTube và Instagram của em. Gần nhất, em còn tham gia đóng phim điện ảnh Bảo mẫu siêu quậy 2. Thế nhưng trong chương trình Thử tài siêu nhí gia đình đã xin rút lui vì sức khỏe em sa sút, không thể tham gia quá trình tập luyện dày đặc của chương trình.

Ku Tin chỉ là một trong vô vàn những đứa trẻ từng xuất hiện trên truyền hình, vui vẻ trong vài game show rồi đi về đâu không ai rõ. Các chương trình thi hát, người xem dễ dàng thấy tới lui những gương mặt cũ. Với chương trình Thần tượng âm nhạc nhí đang phát sóng, khán giả thấy rất nhiều gương mặt từ các sân chơi cũ: Bé Bảo An (có kênh riêng nhạc thiếu nhi trên YouTube), Thảo Nguyên (thí sinh trong tốp 2 đội Vũ Cát Tường - The Voice Kids 2015), Thiên Khôi (á quân Người hùng tí hon)…

Bé Mai Vy (trái)mới bốn tuổi phải vào vai một bà nhiều chuyện, chanh chua trong chương trìnhTiếu lâm tứ trụ nhí (ảnh cắt từ clip); Ku Tin từng phải rời khỏi Thử tài siêu nhí vì sức khỏe sa sút dù chỉ mới hơn năm tuổi. Ảnh: BTC

Bắt trẻ vay mượn cảm xúc

Trẻ em khóc trên truyền hình, đó là điều giúp giữ chân người xem. Thế nên không ít trường hợp các em không muốn khóc nhưng chính lời nói của giám khảo khiến các em khóc. Trong buổi ghi hình Vòng Studio của chương trình Thần tượng âm nhạc nhí (Vietnam Idol Kids) 2017, trong phần nhận xét một thí sinh, giám khảo Văn Mai Hương cứ nhắc đi nhắc lại với một cậu bé rằng: “Con ham buôn dưa lê với các bạn khi ở dưới sân khấu nên khi lên diễn không tập trung”. Dù Thần tượng âm nhạc nhí luôn được đánh giá là sân chơi mùa hè vui vẻ cho con trẻ. Việc nhắc nhở để có một phần trình diễn tốt hơn là cần thiết nhưng nếu nhắc nhở như Văn Mai Hương sẽ vô tình tạo áp lực lên trẻ con rằng con đến đây để thi chứ không phải chơi.

Một điều đáng lo ngại nữa là con nít thi hát, hát bài người lớn, hát với cảm xúc vay mượn từ người lớn không ít lần làm khán giả ngao ngán nhưng rồi nhiều quá cũng thành… quen! Nhà sản xuất giờ đã mạnh tay đến độ cho con trẻ vay mượn cảm xúc, câu chuyện người lớn trong diễn hài. Gần nhất, trong chương trình Tiếu lâm tứ trụ nhí bé Mai Vy mới bốn tuổi đầu đã vào vai Chuyện bà Tám Hải Âu vô cùng điêu luyện với những màn uốn éo, cong cớn, chanh chua của một bà nhiều chuyện. Và khi được hỏi ai tập tiết mục này cho con, bé vô tư nói rằng học theo khi coi trong điện thoại. Thế nhưng hàng loạt giám khảo khen rồi chèo kéo về đội mình. Phải chăng giám khảo không phân biệt được đâu là bắt chước, đâu là tài năng? Hay họ chỉ thấy họ cười được, khán giả cười được là tiêu chí chọn lựa tài năng?

Con cháu mình tài năng nhất

Phụ huynh lẫn các em có bao giờ nghĩ đến việc khán giả sẽ chán mình khi các em mải miết tìm kiếm danh hiệu ở các cuộc thi? Nếu là tài năng, đam mê thật sự, khi đã có danh hiệu như là bệ đỡ, các em có thể có thời gian học hỏi, đầu tư và tiếp tục con đường của mình. Tại sao lại cứ tiếp tục nhào đến các cuộc thi? Bởi chí ít với ba trường hợp nêu trên, gia đình các em không khó khăn đến độ đẩy các em vào game show vì tiền chiến thắng từ cuộc thi.

Một đứa trẻ đi thi là cả gia đình dòng họ căng thẳng. Bởi trong mắt cha mẹ, ông bà, con cháu của họ luôn giỏi. Đem con đi thi, con thua nhiều khi con chỉ buồn còn cha mẹ bực tức. Thế nên không ít lần trong hậu trường ghi hình các chương trình thi thố của trẻ em, phụ huynh mắng té tát vào mặt huấn luyện viên thanh nhạc hoặc biên đạo múa của chương trình, rằng bởi những người này làm dở mà con họ thi rớt. Điển hình gần nhất là biên đạo múa Phạm Lịch đã khóc vì bị phụ huynh của thí sinh Vietnam Idol Kids mắng khi con họ không vào được Vòng Studio.

__________________________

Trên ghế giám khảo nhiều chương trình game show, tìm kiếm tài năng nhí như Người hùng tí hon, Thần tượng tương lai…, ca sĩ Cẩm Ly cho rằng thí sinh nhí khi đến với những cuộc thi ít nhiều đã có đam mê và khát khao được hát, được đứng trên sân khấu biểu diễn. Thế nên nói ở đó tuổi thơ của các em bị đánh mất có khi là phiến diện. Tuổi thơ các em đánh mất hay không là do sự uốn nắn của người lớn. “Những sân chơi vẫn có thể là nơi ươm mầm tài năng cho các em để từ đó cha mẹ biết thêm khả năng con mình, hướng các con theo các lớp năng khiếu, từ đó có thể phát triển thêm để có thể đi xa hơn. Nếu sau một cuộc thi các em mải miết chạy sô, đi diễn… như thế mới gọi là mất tuổi thơ” - ca sĩ Cẩm Ly nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm