Liệu bữa cơm Việt Nam có được thuần Việt hay phải ăn kèm hamburger, kim chi, sushi…?
Nhiều năm trước, các tập đoàn giải trí nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thường chú trọng các sản phẩm giải trí, dịch vụ độc lập: Phát hành phim, khu vui chơi giải trí… Hoặc các nhà sản xuất Việt vác tiền đi mua định dạng (format) chương trình để về sản xuất. Thế nhưng hiện nay các tập đoàn nước ngoài đã đổ vốn vào các công ty sản xuất chương trình truyền hình đang ăn nên làm ra của Việt Nam.
Bớt mùi kim chi để thêm cảnh Việt
Bộ phim đầu tiên đánh dấu sự hợp tác Việt-Hàn trên truyền hình là Mùi ngò gai phát sóng trên HTV vào năm 2006. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của nhà đầu tư là Tập đoàn CJ của Hàn Quốc và là sản phẩm bị “ném đá” nhiều nhất bởi phở Việt nhưng mùi kim chi.
Sau bộ phim này, CJ thông qua công ty con là CJ E&M còn hợp tác nhiều phim điện ảnh khác: Để Mai tính 2, Em là bà nội của anh, Truy sát, Vệ sĩ Sài Gòn…Càng về sau các sản phẩm giải trí hợp tác của CJ càng ít mang mùi kim chi hơn thuở Mùi ngò gai. Và gần nhất, cùng việc hợp tác sản xuất phim truyền hình, phim điện ảnh, Tập đoàn CJ E&M tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua việc đổ vốn vào nhà sản xuất Blue Group để cho ra đời Công ty CJ Blue (tháng 10-2016). Ngay sau cái bắt tay này, từ cuối tháng 1-2017, một khung giờ phim Hàn Quốc xuất hiện trên kênh HTV9.
Nhà sản xuất Điền Quân E&M cũng mua không ít format chương trình, mới nhất chính là sêri sitcom Gia đình là số một. Sêri này được Việt hóa từ bản gốc mang tên High Kick của truyền hình Hàn Quốc.
Tuổi thanh xuân phần 2 (hợp tác Hàn-Việt) đem đến một vịnh Hạ Long đẹp như tranh. Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Cơ hội để xuất khẩu show Việt?
Trung tuần tháng 1-2017, Paramount Channel chính thức có mặt tại Việt Nam với tên gọi Paramount Channel Việt Nam trên HTVC. Đây là sự hợp tác giữa Tập đoàn IMC với Viacom International Media Network (VIMN, Mỹ) để đưa những bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới đến với khán giả Việt. Trước Paramount, Tập đoàn IMC cũng là nơi sở hữu kênh âm nhạc MTV; hợp tác tốt với các đối tác từ Ấn Độ (phim Cô dâu 8 tuổi, Định mệnh…), Phillippines, Thái Lan…
Không chỉ Hàn Quốc, Mỹ, năm 2017 là thời điểm Công ty MCV (từng sản xuất Xe buýt tình yêu, Con có thực tài…) chính thức trở thành đối tác chiến lược với Asahi Broadcasting Corporation (ABC) đến từ Nhật Bản.
Ồ ạt hợp tác với các đối tác nước ngoài, vấn đề đặt ra là sự hợp tác này có là cơ hội cho các sản phẩm truyền hình Việt xuất ngoại hay chỉ để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hốt bạc trên màn hình Việt?
Một đại diện nhà sản xuất Công ty MCV chia sẻ: “Đó là cơ hội cho các nhà sản xuất Việt. Như khi MCV ký hợp đồng hợp tác chiến lược với đài truyền hình Asahi Hoso, mảng quan trọng là sản xuất format chương trình truyền hình dựa trên kinh nghiệm phong phú của đối tác phía Nhật Bản và ý tưởng sáng tạo của phía Việt Nam. Hiện hai bên đã thực hiện được hai format: Người kết nối và Du lịch kỳ thú. Hai format này hiện được chào tới các đối tác mua bán format trên thế giới”.
Thế nhưng không phải ai cũng dễ để xuất khẩu show như sự hợp tác của MCV với đối tác Nhật Bản. “Viết format để bán ngược lại ra thị trường nước ngoài là hơi khó. Với hợp tác của CJ Blue thì các chương trình mình sản xuất như gameshow, phim Việt… sẽ được phát hành thêm qua các kênh truyền hình, truyền thông sẵn có của họ. Muốn bán được phải có những chương trình phù hợp khẩu vị của nước họ lẫn của mình” - bà Quỳnh Anh, Giám đốc tiếp thị Công ty CJ Blue, chia sẻ.
Định hướng chung là chân, thiện, mỹ
Một lo lắng xa hơn là màn hình tivi của người Việt có tiếp tục bị Hàn hóa, Nhật hóa, Mỹ hóa…? “Mỗi format khi được đưa vào sản xuất ở mỗi nước đã được địa phương hóa cả về hình thức lẫn nội dung do đã được điều chỉnh để phù hợp với thị hiếu, trình độ thưởng thức của khán giả mỗi nước, khó lòng để xác định chương trình truyền hình như thế nào được coi là thuần Việt. Tuy nhiên, điểm chung các chương trình giải trí vừa hấp dẫn lại vừa có giá trị nhân văn, hướng con người đến những điều tốt đẹp, tôn vinh giá trị gia đình, tôn vinh chân, thiện, mỹ đều được khán giả yêu thích và có đời sống rất dài. Cụ thể, không ít chương trình truyền hình format Nhật nhưng khán giả Việt yêu thích nhiều năm qua như Vợ chồng son, Bạn muốn hẹn hò, Con đã lớn khôn…” - đại diện MCV cho biết.
Cùng ý kiến đó, bà Quỳnh Anh dẫn chứng chính Ca sĩ giấu mặt là chương trình format Hàn Quốc nhưng khi Việt hóa, nhà sản xuất Việt được toàn quyền điều chỉnh nội dung để phù hợp văn hóa, thị hiếu địa phương. “Chúng tôi đã thêm yếu tố giải trí, hài hước… để hợp khán giả Việt” - bà Quỳnh Anh nói.
Hợp tác truyền hình trên nền tảng viễn thông Bên cạnh màn hình tivi truyền thống, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài trong năm 2017 chú trọng hướng đến truyền hình trên nền tảng viễn thông. Như trong hợp tác với Asahi, MCV hướng cụ thể đến việc đầu tư hơn 20 chương trình giải trí: Âm nhạc, truyền hình thực tế, gameshow, phim sitcom, phim hoạt hình…, các liveshow truyền hình trực tiếp với hơn 6.000 clip thông qua cổng thông tin LoveTV mà MCV hợp tác cùng các nhà mạng như MobiFone, Viettel. |