Bắt tạm giam ĐBQH Châu Thị Thu Nga

Cũng trong tối cùng ngày, nhà riêng của bà Châu Thị Thu Nga tại 78A9+3 phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã bị khám xét phục vụ công tác điều tra. Đến 22 giờ 45, việc khám xét nhà riêng bà Nga mới kết thúc. Ngay sau đó, bà Nga bị dẫn giải ra xe công an về nơi tạm giam.

Trước đó, bà Nga bị tố cáo lợi dụng vốn, không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng và né tránh không gặp khách hàng liên quan đến dự án 5B Cầu Diễn (Hà Nội).

 Về sự vụ này, phát biểu với báo chí (ngày 18-1-2014), bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác ĐB thuộc Ủy ban Thường vụ QH, xác nhận thời gian qua có nhiều người dân, đối tác làm ăn của bà Châu Thị Thu Nga viết đơn tố cáo bà Nga lợi dụng vốn, không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng và né tránh không gặp khách hàng trong dự án B5 Cầu Diễn (Hà Nội) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng nhà đất Housing Group của bà Nga làm chủ đầu tư. Nhiều người dân cho biết đã nộp tiền từ năm 2010, có một số người đã nộp từ năm 2009, người 500 triệu đồng, người 700 triệu đồng, có người đã nộp hàng tỉ đồng với thỏa thuận trong hợp đồng là năm 2015 giao nhà. Bà Nga đã đối thoại với khách hàng để giải quyết nhưng sau đó họ không thể liên lạc với bà Nga, có người đến trụ sở công ty bà ấy ngồi từ sáng đến tối cũng không thể gặp được.

Căn nhà bà Nga đóng cửa im lìm sau khám xét.

Tại kỳ họp thứ 8, vừa diễn ra vào cuối tháng 10-2014, với lý do đang chữa bệnh tại TP.HCM, ngay từ phiên khai mạc kỳ họp, ĐB Châu Thị Thu Nga đã vắng mặt.

Theo thông tin từ website của QH, bà Châu Thị Thu Nga là ĐBQH khóa XIII, TP Hà Nội, là ĐB HĐND TP Hà Nội (2011-2016). Bà Nga sinh ngày 29-4-1965, quê phường Thuận Thành, TP Huế (Thừa Thiên-Huế), trình độ chính trị trung cấp lý luận chính trị, là tiến sĩ quản trị kinh doanh.

Bà Nga là phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) khu vực miền Bắc - Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng, chủ tịch CLB Vườn ươm doanh nhân - Hội LHTN TP Hà Nội, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng nhà đất; ủy viên Ban Thường trực nhóm nữ ĐBQH Việt Nam; thành viên Tổ chuyên gia liên ngành - Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà và thị trường BĐS; ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội BĐS Việt Nam; ủy viên tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa liên bang Đức; phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP Hà Nội; ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH.

Bắt ĐBQH phải được QH hoặc Thường vụ QH đồng ý

Không có sự đồng ý của QH và trong thời gian QH không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ QH thì không được bắt giam, truy tố ĐBQH và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH thuộc thẩm quyền của viện trưởng VKSND Tối cao.

Nếu vì phạm tội quả tang mà ĐBQH bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để QH hoặc Ủy ban Thường vụ QH xét và quyết định.

Trong trường hợp ĐBQH bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ QH quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đó.

ĐBQH bị tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền ĐBQH, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

ĐBQH không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Ủy ban Thường vụ QH đồng ý.

Theo Điều 58 Luật Tổ chức QH 2001 (sửa đổi năm 2007)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới