Mới đây, chấp hành viên Đỗ Văn Cảnh (Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận 7, TP.HCM) cho biết cơ quan này sẽ gửi văn bản yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét vai trò của một công chứng viên vì công chứng hợp đồng mua bán nhà sau khi đã có quyết định ngăn chặn của Chi cục THA.
Đúng địa chỉ nhà nhưng sai tên chủ sở hữu
Theo một bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận 7, vợ chồng bà BTHT phải trả cho bà Phạm Thị Bé hơn 250 triệu đồng. Phía bà T. kháng cáo nhưng không đến làm việc nên tháng 1-2016, TAND TP đã đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Sau khi bà Bé gửi đơn yêu cầu THA, ngày 1-2-2016, Chi cục THA dân sự quận 7 đã ra quyết định THA và xác minh tài sản của người phải THA.
Chỉ vài ngày sau, bà T. đã bán căn nhà của mình ở phường Tân Thuận Tây (quận 7) cho vợ chồng ông VTH, đến ngày 23-2 thì vợ chồng ông VTH hoàn tất việc cập nhật sang tên. Tuy nhiên, ngày 10-3, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 vẫn thông báo cho Chi cục THA quận 7 rằng căn nhà trên thuộc sở hữu của bà T. (có cung cấp thông tin số thửa, số tờ bản đồ).
Ngày 11-3, Chi cục THA quận 7 ra quyết định ngăn chặn đối với căn nhà (trong quyết định có ghi số nhà, có thêm tên đường Huỳnh Tấn Phát nhưng không ghi rõ số thửa). Dù có quyết định ngăn chặn nhưng cuối tháng 4-2016, vợ chồng ông VTH vẫn bán được căn nhà trên cho bà LTLH. Hợp đồng mua bán nhà này được công chứng tại Văn phòng Công chứng Tân Thuận.
Anh Nguyễn Quang Thiều (con trai, đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị Bé) đang trình bày về vụ việc. Ảnh: N.NGA
Ngày 6-5, Chi cục THA quận 7 đã ra quyết định cưỡng chế, kê biên căn nhà trên. Nhưng nhiều lần đến đây, chấp hành viên thấy chủ nhà không phải là bà T. nên xác minh lại. Lúc này, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 kiểm tra lại mới hay đã cung cấp thông tin chưa chính xác cho cơ quan THA. Người phải THA là bà T. đã bán nhà cho vợ chồng ông VTH nhưng chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 vẫn có văn bản cung cấp thông tin rằng căn nhà thuộc quyền sở hữu của bà T.
“Công chứng viên làm vụ việc thêm phức tạp”
Trước tình huống này, Chi cục THA quận 7 đã tạm dừng cưỡng chế THA. Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, chấp hành viên Đỗ Văn Cảnh (người thụ lý, giải quyết vụ THA) nói: “Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 có thiếu sót khi cung cấp thông tin không đầy đủ nhưng không ảnh hưởng gì tới quyền lợi của các bên đương sự. Vấn đề là dù chúng tôi đã ra quyết định ngăn chặn căn nhà nhưng không hiểu sao Văn phòng Công chứng Tân Thuận vẫn công chứng cho vợ chồng ông VTH bán nhà cho bà LTLH. Từ đó tôi đã buộc phải tạm dừng cưỡng chế kê biên. Chính công chứng viên đã làm vụ việc thêm khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng tới quá trình THA. Chi cục THA quận 7 sẽ có văn bản yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét vai trò của công chứng viên trong việc này”.
Ông Phan Võ Lâm Giang (đại diện chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7) thừa nhận đơn vị này đã cung cấp thiếu thông tin về căn nhà cho Chi cục THA quận, nguyên nhân là thời điểm đó đơn vị bắt đầu sử dụng phần mềm mới. “Vừa qua bà LTLH nộp hồ sơ yêu cầu được cấp giấy chủ quyền căn nhà trên nhưng chúng tôi trả hồ sơ không giải quyết vì nhà đã bị ngăn chặn” - ông Giang cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Chung (Trưởng Văn phòng Công chứng Tân Thuận) lý giải vì sao Chi cục THA quận có quyết định ngăn chặn rồi mà Văn phòng Công chứng Tân Thuận vẫn công chứng hợp đồng mua bán nhà của vợ chồng ông VTH và bà LTLH: “Cơ quan THA ngăn chặn không đúng chủ sở hữu, không có số thửa nên chúng tôi không thấy thông tin ngăn chặn. Khi chúng tôi tra số thửa, số nhà thì chủ sở hữu là ông VTH chứ không phải bà BTHT. THA họ ngăn chặn địa chỉ nhà còn có thêm tên đường Huỳnh Tấn Phát, còn hồ sơ chúng tôi công chứng không có tên đường nên chúng tôi mới công chứng”.
Khi PV cầm hồ sơ trên tới một phòng công chứng ở TP.HCM, vị trưởng phòng (đề nghị không nêu tên) mở phần mềm mạng tra cứu và khẳng định ngay rằng địa chỉ căn nhà trên đã bị ngăn chặn. “Quyết định ngăn chặn không đúng tên chủ sở hữu nhà, không có số thửa nhưng lại đúng địa chỉ nhà. Mặt khác, văn phòng công chứng cho rằng cơ quan THA ngăn chặn có thêm tên đường nhưng giấy chủ quyền nhà của ông VTH không có tên đường nên mới công chứng là không hợp lý. Bởi lẽ nếu có tên đường thì phạm vi kiểm tra thông tin ngăn chặn càng rộng hơn. Lẽ ra nếu thấy nghi ngờ, công chứng viên phải hỏi cơ quan ra quyết định ngăn chặn để xác minh lại thông tin, khi đó công chứng vẫn chưa muộn” - vị trưởng phòng này nhận xét.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
Có thể kiện đòi bồi thường Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/2015 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự), kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải THA chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để THA, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác… Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế THA mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để THA… Vấn đề là Điều 24 Nghị định 62/2015 không nói rõ tài sản của người phải THA đã bị bán mấy lần. Vì thế nếu chấp hành viên tiếp tục kê biên, xử lý tài sản thì rất dễ tiếp tục xảy ra tranh chấp. Theo tôi, cách tốt nhất là Chi cục THA quận 7 áp dụng khoản 2 Điều 75 Luật THA dân sự. Cụ thể, chấp hành viên thông báo cho người được THA để yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu. Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông báo mà người được THA không yêu cầu thì chấp hành viên yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch đó vô hiệu và căn cứ theo phán quyết của tòa để xử lý. Ngoài ra, nếu các đương sự cho rằng chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, công chứng viên làm ảnh hưởng tới quyền lợi của họ thì có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại theo BLDS. TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM |