Bầu cử Đài Loan - cuộc đua định hình quan hệ xuyên eo biển

(PLO)- Bầu cử Đài Loan luôn thu hút sự quan tâm rộng rãi của thế giới vì kết quả cuộc đua này sẽ trực tiếp định hình quan hệ xuyên eo biển Đài Loan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong một năm được coi là năm lịch sử của các cuộc bầu cử trên toàn thế giới, cử tri Đài Loan cũng sẽ tham gia các cuộc bỏ phiếu trong tuần này để chọn ra lãnh đạo, phó lãnh đạo và cơ quan lập pháp tiếp theo của hòn đảo.

Cuộc bầu cử Đài Loan sẽ diễn ra vào ngày 13-1, dự kiến kết quả sẽ được công bố tối cùng ngày.

Theo hãng tin Al Jazeera, các nhà quan sát ở Mỹ và Trung Quốc (TQ) sẽ theo dõi chặt chẽ kết quả bầu cử để xem liệu cử tri sẽ chọn Quốc dân đảng (bảo thủ và thân thiện với Bắc Kinh) hay đảng Dân tiến (trung tả và thân thiện với Mỹ) để cầm quyền hòn đảo này trong thời gian tới.

Cuộc bầu cử còn có sự tham gia của đảng Dân chúng (thành lập năm 2019), tuy nhiên đảng này nhỏ hơn và sức ảnh hưởng cũng kém hơn hai đảng nêu trên.

bầu cử Đài Loan.jpeg
Phó lãnh đạo Đài Loan đương nhiệm Lại Thanh Đức (thứ 2 từ trái sang) hy vọng kéo dài thời gian cầm quyền cho đảng Dân tiến. Ảnh: AP

Tuy cử tri luôn bất mãn về vấn đề như nền kinh tế trì trệ, chi phí nhà ở cao và tương lai của các chính sách năng lượng của Đài Loan, cuộc bầu cử lãnh đạo của hòn đảo thường bị chi phối với câu hỏi lớn hơn về tình trạng chính trị của Đài Bắc.

Vào năm 2020, các cử tri đã chọn đảng Dân tiến một cách một cách đầy bất ngờ trong bối cảnh các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ ở Hong Kong, một thuộc địa cũ của Anh mà TQ hứa sẽ giữ tình trạng bán tự trị trong 50 năm sau khi London trao trả TP này cho Bắc Kinh vào năm 1997.

Các cử tri Đài Loan giờ đây sẽ phải quyết định xem họ sẽ chọn những lợi ích kinh tế từ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh do Quốc Dân Đảng mang lại hay chọn tiếp tục lập trường “ly khai" và liên tục căng thẳng với TQ như những gì đã chứng kiến dưới thời lãnh đạo đương nhiệm Thái Anh Văn.

Cuộc bầu cử diễn ra như thế nào?

Vào ngày 13-1, người dân Đài Loan sẽ bỏ phiếu ba lần: bầu lãnh đạo và phó lãnh đạo, bầu nhà lập pháp địa phương, và bầu cho đảng mà họ ủng hộ.

Đối với cuộc bầu cử lãnh đạo, ứng viên chỉ cần đạt đa số tương đối để giành chiến thắng, tức là ai giành nhiều phiếu hơn sẽ đắc cử. Không có cuộc bầu cử vòng hai.

Đối với cơ quan lập pháp Đài Loan (hay còn gọi là Viện Lập pháp), mỗi cử tri có hai lá phiếu, một lá phiếu dành cho ứng cử viên cấp địa phương và một phiếu dành cho một đảng mà họ ủng hộ.

Viện Lập pháp có tổng cộng 113 ghế, trong đó 73 ghế được bầu theo đa số tương đối ở các địa phương. Cử tri bỏ phiếu cho một ứng cử viên duy nhất trong trường hợp này.

Nhóm thứ 2 là 34 ghế được phân bổ tương ứng cho mỗi đảng dựa trên tỉ lệ phiếu bầu mà họ nhận được. Mỗi cử tri chỉ được chọn một đảng duy nhất. Một đảng cần phải có ít nhất 5% tổng số phiếu bầu để giành được ghế trong Viện Lập pháp.

Cuối cùng là 6 ghế dành cho đại diện người Đài Loan bản địa.

Tất cả đều sẽ phục vụ nhiệm kỳ 4 năm.

Các phòng phiếu sẽ mở cửa từ 8 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều (giờ địa phương). Cử tri sẽ bỏ phiếu bằng giấy và sẽ được kiểm đếm bằng tay. Khoảng 19,5 triệu người Đài Loan đã đăng ký bỏ phiếu và kết quả sẽ được công bố vào cuối ngày bỏ phiếu.

Cử tri phải đủ 20 tuổi mới được bỏ phiếu, và phải quay về nơi đăng ký hộ khẩu để bỏ phiếu. Bất chấp những thách thức này, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu vẫn tương đối cao trong hai cuộc bầu cử trước – ở mức 66,27% vào năm 2016 và 74,9% vào năm 2020.

“Trên thực tế, không khó hiểu tại sao lại có nhiều người hào hứng với ngày bầu cử đến vậy. Chỉ cần đi quanh thành phố, bạn sẽ thấy các áp phích bầu cử, những chiếc xe tải có loa phóng thanh khẩu hiệu bầu cử ở khắp mọi nơi. Nó rất phổ biến và cho thấy chính trị hòa nhập rất sâu sắc vào cuộc sống hàng ngày trong xã hội Đài Loan” - ông Brian Hioe, đồng sáng lập Tạp chí New Bloom và là nhà bình luận thường xuyên về chính trị Đài Loan, nói.

Các ứng cử viên lãnh đạo và phó lãnh đạo là ai?

Trong 5 kỳ bầu cử trước đây, các ứng viên Quốc dân đảng và đảng Dân tiến trực tiếp đối đầu nhau. Tuy nhiên, năm nay có khác biệt khi có thêm ứng viên đảng mới thành lập. 3 ứng viên năm nay gồm ông Lại Thanh Đức thuộc đảng Dân tiến, ông Hầu Hữu Nghi của Quốc dân đảng và ông Kha Văn Triết của đảng Dân chúng.

Đầu tiên là ứng viên Lại Thanh Đức, thành viên lâu năm của đảng Dân tiến. Ông Lại, 64 tuổi, hiện là phó lãnh đạo Đài Loan. Ông này xưa nay nổi tiếng về lập trường “ly khai" (tương tự bà Thái), và trong trường hợp ông thắng cử, quan hệ của hòn đảo với TQ được cho là sẽ tiếp tục căng thẳng.

Ông chọn bà Tiêu Mỹ Cầm (52 tuổi), từng đại diện Đài Loan tại Washington (Mỹ) làm cấp phó của mình trong cuộc bầu cử lần này. Theo Al Jazeera, việc lựa chọn bà Tiêu dường như đã khiến công chúng ưu tiên ông nhiều hơn do bà Tiêu được các cử tri trẻ tuổi ủng hộ.

Ứng viên số 2 là ông Hầu Hữu Nghi của Quốc dân đảng. Ông Hầu Hữu Nghi hiện 66 tuổi, là cựu thị trưởng TP Tân Bắc (TP trực thuộc trung ương của Đài Loan, bao quanh Đài Bắc). Ông xuất thân khiêm tốn hơn các lãnh đạo Quốc dân đảng khác và bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình với tư cách là cảnh sát vào những năm 1980. Ông bước chân vào chính trường khá muộn.

bầu cử Đài Loan.jpeg
(Từ trái sang phải) Ông Lại Thanh Đức của đảng Dân tiến, ông Hầu Hữu Nghi của Quốc dân đảng và ông Kha Văn Triết của đảng Dân chúng. Ảnh: HONG KONG FREE PRESS

Người liên danh tranh cử với ông là Triệu Thiếu Khang, 73 tuổi, một nhân vật truyền hình nổi tiếng và cựu chủ tịch đài Phát thanh Truyền hình Đài Loan, theo tờ Taipei Times.

Nhân vật cuối cùng là ông Kha Văn Triết của đảng Dân chúng. Ông Kha Văn Triết 64 tuổi, tranh cử cùng cấp phó là bà Ngô Hân Doanh (45 tuổi) - một chính trị gia và là con gái của một trong những nhà tài phiệt hàng đầu Đài Loan.

Kết quả thăm dò được công bố ngày 1-1 của các trang tin My Formosa, đài TVBS, tổ chức thăm dò ý kiến công chúng Đài Loan TPOF đều cho thấy ứng viên Lại Thanh Đức đang dẫn đầu đường đua. Ông Hầu Hữu Nghi và ông Kha Văn Triết lần lượt ở các vị trí thứ 2 và thứ 3.

Cụ thể, theo My Formosa, tỉ lệ ủng hộ cho ứng viên Lại Thanh Đức là 39,6%, ông Hầu Hữu Nghi là 28,5%, và ông Kha Văn Triết là 18,9%.

Lãnh đạo đắc cử sẽ nhậm chức vào tháng 5.

Lập trường của TQ

TQ coi đảng Dân tiến là “những kẻ ly khai” chính trị và nói với cử tri rằng việc bỏ phiếu cho đảng này cũng giống như một cuộc bỏ phiếu cho “chiến tranh” ở eo biển Đài Loan. Họ từ chối đàm phán với bà Thái ngay sau khi bà đắc cử lần đầu tiên, tăng cường các hoạt động quân sự trong và xung quanh hòn đảo, đồng thời khuyến khích một số đồng minh ngoại giao chính thức của Đài Bắc thay đổi quan hệ.

Gần đây, Bắc Kinh đã chấm dứt việc cắt giảm thuế đối với một số mặt hàng hóa chất xuất khẩu của Đài Loan và đe dọa sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt. Nước này cũng thường xuyên điều tàu hải quân và tiêm kích vào eo biển Đài Loan.

Trong thông điệp năm mới, ông Trương Chí Quân - người đứng đầu Hiệp hội Quan hệ TQ qua eo biển Đài Loan (cơ quan xử lý các mối quan hệ với Đài Bắc) - đã kêu gọi người dân Đài Loan đưa ra “lựa chọn đúng đắn” vào ngày 13-1, theo tờ China Daily.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm