Theo tờ The Economist, trong năm 2024, nhiều cuộc bầu cử quan trọng, đáng chú ý sẽ cùng diễn ra. Các cuộc tranh cử vị trí nguyên thủ quốc gia của các nước có tầm ảnh hưởng lớn như Mỹ, Nga hay Ấn Độ, và cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) khả năng sẽ đưa đến những thay đổi lớn với tình hình thế giới.
Bầu cử tổng thống Nga ngày 17-3: Ông Putin sẽ "nhẹ nhàng" tái đắc cử?
Đài CNN bình luận khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống sau cuộc bầu cử ngày 17-3 năm sau là khá lớn. Hồi tháng 11, Điện Kremlin thông tin rằng ông Putin hầu như không có đối thủ cạnh tranh nếu đứng ra tái tranh cử.
Theo các cuộc khảo sát, ông Putin cũng nhận được đến 80% phiếu ủng hộ từ người dân Nga.
Nếu ông Putin đắc cử, vào cuối nhiệm kỳ sắp tới, ông sẽ 78 tuổi. Như vậy ông Putin sẽ trở thành nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất của Nga kể từ thời Catherine Đại đế, theo đài DW.
Nhiều nhà quan sát cho rằng nếu ông Putin chiến thắng cuộc bầu cử năm 2024 thì nhiều khả năng những chính sách của Nga với Ukraine sẽ tiếp tục trong năm 2024. Ông Putin cũng sẽ giữ thái độ cứng rắn với Mỹ và các nước phương Tây.
Bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5-11: Tiếp tục cuộc thư hùng giữa ông Biden và ông Trump?
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đã chứng kiến trận đối đầu gay cấn giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden. Nhiều nhà quan sát tin rằng sẽ có một cuộc tái đấu giữa hai nhân vật này trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Tình hình có vẻ không mấy thuận lợi với ông Biden khi nhiều cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỉ lệ tín nhiệm của người dân với ông đã tuột dốc. Ngày 6-12 CNN công bố kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ tín nhiệm của ông Biden chỉ còn 37%.
Về phía ông Trump, theo CNN, hiện vị cựu tổng thống vẫn là người có khả năng lớn nhất trở thành đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử, dù ông đang đối mặt với hàng loạt rắc rối pháp lý.
Hãng tin Reuters nhận định rằng ông Trump sẽ có nhiều lợi thế nếu cuộc tái đấu giữa ông và ông Biden diễn ra. Dĩ nhiên, kết quả chưa thể nói chắc chắn.
Nếu ông Trump đắc cử tổng thống, các chính sách của Mỹ có thể có nhiều biến động, chẳng hạn có khả năng Mỹ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mỹ cũng sẽ tập trung nhiều hơn vào củng cố sức mạnh tổng hợp của quốc gia, thay vì tăng cường tầm ảnh hưởng ở toàn cầu, tờ the Financial Times nhận xét.
Bầu cử Ấn Độ vào tháng 4, tháng 5: Cuộc chơi quyền lực của ông Modi
Theo tờ The Times of India, gần 1 tỉ cử tri Ấn Độ sẽ bỏ phiếu chọn ra những nhà lập pháp mới trong tháng 4 và tháng năm 5-2024. Tại cuộc bầu cử lần này, Thủ tướng Narendra Modi và đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông đang nỗ lực tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới.
Ông Modi nhận được sự ủng hộ của phần đông dân số Ấn Độ theo đạo Hindu. Trong khi đó, 28 đảng khác đã hợp tác thành lập Liên minh Phát triển Toàn diện Quốc gia Ấn Độ (INDIA) nhằm ngăn chặn khả năng tái đắc cử của ông Modi, theo kênh Al Jazeera.
Những người ủng hộ ông Modi vẫn tin vào khả năng chiến thắng của ông. Họ đánh giá cao những đóng góp của ông Modi đối với sự phát triển của Ấn Độ.
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 9 cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Ấn Độ. CNN nói rằng Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong tình hình thế giới năm 2024 với tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi đan xen nhiều mối quan tâm địa - chính trị của các quốc gia.
Bầu cử Nghị viện châu Âu từ ngày 6 đến 9-6: Sự dịch chuyển về phía cánh hữu?
Tháng 6-2024 có thể là thời điểm quan trọng đối với tương lai của châu Âu. Bởi vì trong thời gian đó, Nghị viện châu Âu sẽ tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Theo hãng tin AFP, hơn 400 triệu cử tri sẽ tham gia bầu cử. Kết quả của sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến những quyết sách của EU trong năm 2024.
Trong nhiều năm qua, xu hướng cánh hữu (xu hướng ủng hộ sự quan tâm đến các vấn đề truyền thống của quốc gia như phát triển kinh tế) đang trỗi dậy mạnh mẽ ở châu Âu. Cuộc bầu cử nghị viện lần này có thể là “phép thử” đối với tầm ảnh hưởng của xu thế này, theo CNN.
Các nhà phê bình cho rằng sự gia tăng của xu hướng cánh hữu trong nghị viện có thể ảnh hưởng to lớn đến nhiều chương trình nghị sự của EU. Trong đó nổi bật như việc viện trợ cho Ukraine, các biện pháp trừng phạt Nga, hay chính sách về khí hậu. Đây đều là những vấn đề được quan tâm trong năm 2024.
Và nhiều cuộc bầu cử khác…
Không chỉ các cuộc bầu cử nổi bật trên đây, hơn 40 cuộc bầu cử khác cũng sẽ diễn ra trong năm 2024. Tờ The Guardian nhận xét các cuộc bầu cử này ít hoặc nhiều đều góp phần gia tăng sức nóng của tình hình chính trị thế giới.
Ở Bắc Mỹ, cuộc bầu cử nguyên thủ quốc gia mới tại Mexico hứa hẹn “phá vỡ mọi rào cản” khi chắc chắn nước này sẽ có vị nữ tổng thống đầu tiên. Cuộc bầu cử chứng kiến sự đối đầu giữa cựu thị trưởng Thành phố Mexico - bà Claudia Sheinbaum, và thượng nghị sĩ quốc hội - bà Xochitl Galvez, theo hãng tin AFP.
Ở khu vực Mỹ Latinh, nếu Tổng thống Venezuela - ông Nicolas Maduro tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2024, ông phải gánh vác thêm trách nhiệm mới. Đó là căng thẳng biên giới giữa Venezuela với nước láng giềng Guyana về quyền khai thác dầu mỏ, theo CNN.
Ở Nam Phi, đảng Đại hội Dân tộc phi (ANC) có thể sẽ gặp nhiều khó khăn vì các cử tri đã mệt mỏi trước những hỗn loạn xảy ra trong thời gian đảng này cầm quyền. Lần đầu tiên ANC đứng trước khả năng chiến thắng với ít phiếu bầu nhất trong lịch sử.
Tại châu Á, các cuộc tổng tuyển cử tại Indonesia, Pakistan hay Bangladesh cũng thu hút nhiều sự chú ý.
Nhìn chung, năm 2024 hứa hẹn sự gay cấn của chính trường thế giới trước nhiều cuộc bầu cử quan trọng.