Ngày 11-2 (giờ Mỹ) hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có kỳ bầu cử sơ bộ thứ hai chọn ứng viên tranh cử tổng thống. Sau kỳ bầu cử ở bang Iowa ngày 3-2, nếu đảng Cộng hòa nhanh chóng xác định được người chiến thắng - đương kim Tổng thống Donald Trump - thì bên Dân chủ các ứng viên vẫn kèn cựa sát nút, chưa thấy được cá nhân bứt phá.
Thực lực các ứng viên Dân chủ và nội bộ đảng cụ thể thế nào? Trao đổi với hãng tin Sputnik, nhà báo kỳ cựu Joe Lauria chuyên viết về chính trị và các vấn đề quốc tế, từng làm việc cho nhiều tờ báo lớn ở Mỹ và hiện là tổng biên tập tạp chí Consortium News có phân tích thuyết phục.
Không cái tên nào nổi bật
Theo nhà báo Lauria, cựu phó tổng thống Joe Biden là người mà các thành viên Dân chủ theo chủ trương ôn hòa - bộ phận có ảnh hưởng lớn trong đảng muốn trở thành người đứng ra đấu với ứng viên Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Biden thể hiện không được tốt thời gian gần đây. Ông Biden thừa nhận đã nhận “trái đắng”, “bị hạ gục” tại Iowa khi chỉ về thứ tư tại bang này. Thăm dò cho thấy khả năng ông Biden cũng sẽ không có kết quả khả quan tại cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire ngày 11-2 và khả năng sẽ phải rời cuộc đua sau kỳ bầu cử này.
Đảng Dân chủ không muốn hai thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Elizabeth Warren nhận đề cử. Vì lý do này mà ban đầu đảng Dân chủ cố gắng yểm trợ cho thượng nghị sĩ Kamala Harris nhưng thành tích bà này không được tốt và đã phải bỏ cuộc đầu tháng 12-2019. Nhưng dù thế nào thì đảng Dân chủ cũng sẽ không để yên cho hai nhân vật trên, đặc biệt là ông Sanders, nhận đề cử, vì ông này bị cho là có thể đe dọa đến quyền lợi mang tính giai cấp của đảng. Với tình hình này, đảng Dân chủ sẽ phải cần một cá nhân khác có tính bứt phá.
Bà Clinton (trái), ông Biden (giữa) và ông Sanders (phải) từng cạnh tranh đề cử của đảng Dân chủ năm 2016 sẽ lại gặp nhau năm nay? Ảnh: CBS NEWS
Chờ nhân tố Hillary Clinton
Trả lời phỏng vấn tạp chí Variety gần đây, bà Hillary Clinton nói sẽ làm tất cả để giúp đảng Dân chủ có một ứng viên có thể thắng ông Trump. Không khẳng định có bước vào cuộc đua hay không nhưng bà Clinton nói cảm nhận rõ “đề nghị” từ công chúng rằng phải tham gia để đánh bại ông Trump. Ông Lauria đoán rằng thời gian này bà Clinton đang thăm dò nội bộ và đánh giá thực lực các ứng viên. Và lời bà nói với Variety có thể xem là một tín hiệu bà sẽ có cuộc chạy đua vào Nhà Trắng thứ ba.
2 lần cựu đệ nhất phu nhân, cựu ngoại trưởng Clinton tham gia tranh cử tổng thống, với ông Obama (2008) và ông Trump (2016). |
Nhà báo Lauria cho biết cả sáu tháng nay ông nhiều lần nói đến khả năng tham gia của bà Clinton. Và với các diễn biến hiện tại của nội bộ đảng Dân chủ thì khả năng này ngày càng có cơ sở. Ông Sanders về thứ hai ở Iowa, nếu ông chiến thắng ở New Hampshire thì khả năng rất lớn ông Biden sẽ kết thúc đường đua. Khi đó bà Clinton sẽ vào cuộc.
Việc bắt đầu cuộc đua thời điểm này dù trễ nhưng vẫn không quá phức tạp với bà Clinton vốn vẫn quan hệ tốt với mạng lưới rộng lớn các nhà gây quỹ. Hai lần thua khi chạy đua vào Nhà Trắng, đặc biệt lần thua ông Trump năm 2016 trở thành lợi thế của bà Clinton nếu bà tranh cử lần này. Bà Clinton có thể nói chỉ có bà mới có kinh nghiệm rút ra từ lần thua ông Trump và không có ai có khả năng đánh bại ông cao bằng bà.
Một cuộc thăm dò của Đại học Harvard (Mỹ) hai tháng trước có đưa thêm tên bà Clinton vào danh sách các ứng viên Dân chủ tham gia mùa bầu cử sơ bộ, dù thực tế bà không (hoặc chưa) vào cuộc. Kết quả là bà thắng chung cuộc. Theo các nhà quan sát, kết quả này phản ánh một thực tế khó bác bỏ là bà Clinton vẫn có được sự ủng hộ từ cử tri nhiều hơn bất kỳ ứng viên Dân chủ nào.
Bà Clinton cũng được sự ủng hộ rất lớn từ nội bộ đảng Dân chủ, họ nghĩ rằng sở dĩ bà thua ông Trump năm 2016 là vì sự can thiệp của Nga. Đa số các thành viên Dân chủ sẽ làm hết sức để bà Clinton nhận được đề cử, chặn cửa với ông Biden, ông Sanders và cả bà Warren. Khả năng bà Clinton được Ủy ban Dân chủ Quốc gia chọn trao đề cử rất cao.
Cuộc đua Clinton - Trump thứ hai sẽ thế nào? Theo nhà báo Lauria, người dân không hài lòng với sự thể hiện của ông Trump. Kế hoạch hòa bình cho Israel và Palestine bị chỉ trích nặng. Việc ông chỉ đạo giết tướng Qassem Soleimani của Iran bị không ít người cho là sai lầm lớn. Điểm ông Trump ghi được là chủ trương giảm căng thẳng với Nga. Về điểm này, bà Clinton với chủ trương cứng rắn với Nga đã thua xa. Hòa hoãn trong quan hệ với Nga luôn cần thiết và ông Trump cơ bản làm được điều đó. Dĩ nhiên trong hơn ba năm qua ông Trump có làm nhiều điều ồn ào với Nga - như hủy Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung - nhưng nếu bà Clinton ở vai ông Trump thì căng thẳng Nga-Mỹ sẽ còn cao hơn. Vì vậy, dù chắc một điều bà Clinton sẽ có được suất đối đầu với ông Trump nếu tham gia cuộc đua giành đề cử bên đảng Dân chủ nhưng nhà báo Lauria chưa thể nói chắc kết quả cuộc đua Clinton - Trump thứ hai. |