Phải có hỗ trợ cho sản xuất hộ gia đình, theo đặc trưng từng vùng nữa. Như Hà Giang chẳng hạn, ruộng bậc thang như thế, làm sao mà tích tụ ruộng đất lớn được?
Bây giờ nhiều ông cứ chỉ muốn thu đất của người dân thôi. Đã một phen thu đất làm đô thị, khu công nghiệp; bây giờ lại làm nông nghiệp quy mô lớn. Tôi xuống các nông, lâm trường, họ bảo theo Nhà nước 40 năm nay, nông dân về còn có đất đai trồng cấy, còn công nhân nông, lâm trường phải giao lại tất vì đất nhà nước. Mà thực ra họ có phải công nhân đâu, cũng là cày bừa, cấy gặt như nông dân.
Với người nông dân, ruộng đất vừa là tư liệu sản xuất, vừa là tài sản quý giá nhất, bạn đồng hành suốt cuộc đời. Miếng đất nó lạ lùng lắm. Ông Chế Lan Viên ông ấy đã chả bảo “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
(Theo ANTT)
TS LÊ ĐĂNG DOANH,chuyên gia kinh tế:
Không để đất đai chảy vào nhóm lợi ích nào đó
Lâu nay vấn đề thất thoát tài sản nhà nước qua định giá đất quá bèo khiến dư luận khá bức xúc. Một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ “đất vàng” không còn sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời đã không trả lại đất cho Nhà nước mà kêu gọi hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp. Không ít dự án chung cư cao cấp đã mọc lên ở các đô thị theo hình thức này, thế chỗ các nhà máy, xí nghiệp trước kia.
Đất đai là tài sản quý, phải có biện pháp quản lý hữu hiệu, không để chảy vào nhóm lợi ích nào đó. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thanh tra để phát hiện sai phạm trong các dự án đã chuyển đổi, cần đẩy mạnh các giải pháp cứng rắn để bịt lỗ hổng thất thoát tài sản nhà nước từ chuyển đổi “đất vàng” trong thời gian tới. Bởi lẽ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp DNNN vẫn tiếp tục diễn ra. Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ có 240 DNNN phải thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, đa số là những DN quy mô lớn. (Theo Người Lao Động)