BBC Việt ngữ: Một kiểu làm báo thấp tầm!

Những ngày vừa qua, trên mạng Internet, người Việt trong và ngoài nước xôn xao về một bài viết trên trang mạng của BBC Việt ngữ.

Cụ thể, vào thứ bảy 17-4, BBC Việt ngữ đăng tải bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của một tác giả là nghiên cứu sinh người Việt ở Mỹ. Nội dung chính của bài bàn về tinh thần dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc để đi đến kết luận rằng “chủ nghĩa dân tộc mù quáng đôi khi cũng tai hại không kém gì chủ nghĩa bành trướng đế quốc”. Để chứng minh luận điểm này, tác giả đưa ra một số lập luận như: Phần lớn những thanh niên yêu nước không nhận ra “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc”, “người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha...”.

Bài viết ngay sau khi được công bố trên mạng đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía bạn đọc của BBC Việt ngữ nói riêng và các blogger, người đọc Internet Việt Nam nói chung. Hàng trăm comment (lời bình luận) được gửi về BBC, trong đó tuyệt đại đa số phản đối việc tác giả đã xúc phạm dân tộc bằng những ngôn từ mang tính mạ lỵ và quy chụp.

Tại diễn đàn, BBC Việt ngữ thừa nhận đến ngày 20-4 “đã nhận được nhiều ý kiến và một số bài viết riêng phản bác” quan điểm của tác giả “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”. Đồng thời, thông báo có vẻ rất khách quan: “Chúng tôi sẽ đăng dần các bài đó lên trang diễn đàn trong những ngày tới”.

BBC Việt ngữ: Một kiểu làm báo thấp tầm! ảnh 1

Trụ sở BBC.

Nói là vậy nhưng trong hành xử thực tế, trước khi “đăng dần” các bài khác, vào thứ ba 20-4, BBC Việt ngữ lại tiếp tục đăng tải bài trả lời của tác giả cho rằng mình “chỉ đưa ra các câu hỏi” nhằm “mở đường thảo luận”. Bài này lại tiếp tục đón nhận những phản đối kịch liệt từ người đọc.

Đến đây thì không thể không đặt câu hỏi về mục đích của BBC Việt ngữ: Có thật họ muốn tạo diễn đàn thảo luận nghiêm túc - trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt dù bài đề dẫn của diễn đàn thật ra chỉ là một mớ ngôn từ “thùng rỗng kêu to”, chẳng có hàm lượng tri thức gì để thảo luận - hay họ muốn tạo ra một scandal câu độc giả? Cũng không loại trừ BBC gặp lỗi nghiệp vụ và đang chống chế khỏa lấp.

Điển hình, bài trả lời của tác giả được đăng ở vị trí nổi bật đầu trang diễn đàn như tiếp tục khiêu khích và lựa chọn những ý kiến phản bác không thật có sức nặng và tính khoa học (so với nhiều bài viết chất lượng hơn hẳn của các nhà nghiên cứu có uy tín).

Trong bản quy tắc biên tập (Editorial Guidelines) của mình, BBC quy định: Đối với các chủ đề gây tranh cãi, “chúng ta (biên tập viên) phải luôn nhớ rằng phần lớn nội dung của BBC giờ đây đã hiện diện ở nhiều nước trên khắp thế giới… Khi vấn đề rất gây tranh cãi, chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả các quan điểm chính đều được phản ánh trong những nội dung của BBC, có thể bằng một chương trình riêng, một bài viết riêng”.

Có thể thấy các quan điểm sai trái, thiếu hiểu biết và ngụy biện trong các bài viết nêu trên chắc chắn là quan điểm gây tranh cãi và khi được đăng tải nguyên vẹn trong một bài viết trên mạng thì nghĩa là chúng đã hiện diện ở nhiều nước trên khắp thế giới.

Hành xử của BBC Việt ngữ rõ ràng đang đi ngược lại quy tắc biên tập của chính họ. Thêm vào đó, cách xử lý của BBC Việt ngữ sau khi bị độc giả phản ứng dữ dội cũng đang đi ngược lại “truyền thống chuyên nghiệp” mà họ vẫn tự hào.

Cuối cùng, xét từ giác độ báo chí, những chủ đề được lựa chọn để tạo diễn đàn (nếu có) lẽ ra nên nằm ngoài các vấn đề nhạy cảm, có khả năng kích động hằn thù dân tộc. Đây cũng là điều mà một độc giả của BBC Việt ngữ đã nói: “Cho dù là ở đâu, ở đất nước nào, việc tán thành, lấy ví dụ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa khủng bố... đều là những ý kiến không thể chấp nhận được bởi số đông, bởi một lương tri phổ quát của nhân loại. Đối với vấn đề Việt Nam - Trung Quốc, có thể có nhiều chuyện phải bàn. Nhưng việc đi ngược lại quan niệm chung của dân tộc, không kể thành phần, quan điểm chính trị... là một việc làm xuẩn ngốc, không thể gọi là táo bạo được”.

Quá nhiều “sạn” từ BBC Việt ngữ

Theo giới thiệu ban đầu không hiểu do cẩu thả hay cố ý, BBC "phong" tác giả Đỗ Ngọc Bích là tiến sĩ, đang giảng dạy về Việt Nam học tại Đại học Yale, cũng như đang tham gia dịch thuật các chương trình sử học cổ, trung, cận đại tại Đại học Yale.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Erik Harms, Phó Giáo sư khoa Nhân học của Đại học Yale, đã công bố sự thật về tác giả này và cho rằng BBC “sai nhiều điểm”. Điểm thứ nhất là tác giả Bích chưa có học vị tiến sĩ mà chỉ đang học tiến sĩ. Tiến sĩ Erik Harms nhấn mạnh tác giả này mới đang viết luận văn ở Đại học Hawaii trong khoa Hoa Kỳ học chứ không phải là tiến sĩ đang giảng dạy ở Yale.

Thứ hai, về chuyện dịch thuật liên quan đến lịch sử của tác giả này, Tiến sĩ Erik Harms cho biết tác giả Bích đang sống ở New Haven, nơi Đại học Yale đóng, có tham gia dạy kèm tiếng Việt cho hai sinh viên. Đây là kiểu dạy thêm theo hình thức mỗi buổi/tuần chứ không phải dạy trong chương trình chính thức ở Yale. Do việc dạy thêm này có dẫn tới việc một vài người  nhờ cô Bích giúp đỡ chuyển ngữ vài tài liệu về lịch sử trong quá trình nghiên cứu của họ.

Như vậy, cái danh  xưng mà BBC đăng tải trên trang mạng khi giới thiệu bài của Đỗ Ngọc Bích này 17-4 : “Tiến sỹ về Quan hệ Quốc tế và Hoa Kỳ học, hiện đang giảng dạy Việt học và tham gia dịch thuật các công trình sử học cổ, trung đại của VN tại Đại học Yale, Hoa Kỳ” là hoàn toàn bịa đặt.

Toàn văn thư giải thích viết bằng tiếng Việt của Tiến sĩ Erik Harms, Phó Giáo sư Khoa Nhân học của Đại học Yale

Cho tôi giải thích vấn đề này. Trên BBC người ta ghi cô Bích là Tiến sĩ giảng dạy ở Yale. Nó sai nhiều điểm.

Điểm thứ nhất là cô Bích chưa có Tiến sĩ. Cô Bích nói cho mình biết là cô có gửi CV cho BBC. CV là lý lịch và trong CV đó có nói là ABD Tiến sĩ. Chữ ABD bằng tiếng Anh nó hơi phức tạp cho người không biết. ABD có nghĩa là “All but dissertation”, nghĩa là  đang học Tiến sĩ nhưng có qua quá trình giảng dạy rồi, mình đang viết luận án. Nếu không hiểu chương trình Mỹ, người ta nghĩ: Ồ!Là Tiến sĩ rồi. Thế nhưng thực sự một người ABD có nghĩa là chưa có bằng, chưa nộp luận văn.

Thực sự bây giờ cô Bích là sinh viên cao học, sắp viết luận văn ở Đại học Hawaii trong Khoa Hoa Kỳ học, chứ không phải là Tiến sĩ đang giảng dạy ở Yale.

Erik phải điều chỉnh lại thông tin một cách rõ ràng nữa là cô Bích đang sống ở đây, ở New Haven (bang Connecticut, nơi Đại học Yale tọa lạc).

Có một chương trình ngoại ngữ cho những sinh viên ở Yale muốn học thêm về ngoại ngữ. Ở Yale mình dạy tiếng Việt đến lớp hai. Có nghĩa là dạy hai năm tiếng Việt. Sau đó có sinh viên nào giỏi tiếng Việt, muốn tìm người dạy kèm tiếng Việt thì Yale sẽ thuê một người để dạy thêm một chút.

Trước đây mình không biết nhưng mà cô Bích có dạy tiếng Việt cho hai sinh viên ở đây. Sinh viên rất là giỏi tiếng Việt, muốn đọc báo hay là đọc sách gì đó thì họ gặp cô Bích. Ví dụ một tuần, một tiếng đồng hồ gì đó.

Thực sự thì có thể nói là cô Bích có dạy nhưng không phải trong chương trình chính thức ở Yale. Cô Bích có dạy kèm cho mấy sinh viên học ở Yale nhưng mà là dạy kèm ngoài giờ học cho mấy sinh viên ở Yale học thêm, ngoài giờ học bình thường.

Có thêm một câu mình nhớ là người ta có hỏi là cô Bích có dịch thuật tài liệu? Đây không phải là việc chính của Yale. Ví dụ có một ông giáo sư chuyên môn về Việt Nam muốn có sự giúp đỡ trong một vài tài liệu về lịch sử…

(Trích lại từ Blog của TS Nguyễn Văn Tuấn (tuan's blog) - Úc)

NGỌC KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm