Bị ngộ độc chì từ quá nhỏ, cháu bé có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng tới não. Ảnh: N.P.
Bé là con thứ ba. Cháu sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh, được 3,5 kg, đến khi đi hết phân su thì chị thấy con liên tục có hiện tượng đi ngoài ra bọt. Dù con vẫn bú, ăn ngủ bình thường nhưng chị vẫn mua men tiêu hoá cho con uống để yên tâm.
Thế nhưng bé vẫn không đỡ. Nghe hàng xóm mách một bà lang ở Hương Canh, Vĩnh Phúc có bài thuốc cam gia truyền rất tốt, chồng chị lặn lội đi tìm mua thuốc cho con. Chị pha gói thuốc bột này cho con uống nước, còn mình thì ăn nốt phần cái. Sau 3 ngày uống hết khoảng 20 g thì chị thấy tình trạng xì xoẹt, đi ngoài ra bọt của bé không đỡ nên dừng không uống tiếp.
15 ngày sau thì cháu có biểu hiện ho, sốt, nên chị đưa con đến bệnh viện tỉnh khám, sau đó thì bé được chuyển tiếp lên khoa Nhi, Bệnh viện BạchMai (Hà Nội) vì biến chứng viêm phổi.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ nhập viện vào cuối tháng 8 vừa rồi trong tình trạng tỉnh, tím toàn thân, thở nhanh, biến chứng viêm phổi, có biểu hiện co giật- não đã bị ảnh hưởng. Điều bất ngờ là kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị ngộ độc chì cấp, hàm lượng chì trong máu là khoảng 40mcg.
“Lượng chi trong máu như thế so với nhiều trường hợp trẻ trước đây không phải là quá cao, thế nhưng bệnh nhi lại quá nhỏ mới được 2 tháng tuổi. Mà trẻ càng nhỏ thì tác động độc hại về sau càng nguy hiểm. Như trong trường hợp bé Anh, chì đã ảnh hưởng đến não khiến trẻ bị co giật”, phó giáo sư Dũng nhấn mạnh.
"Mình có ngờ đâu chỉ vì thiếu hiểu biết mà mình hại con. Chỉ thương cháu mới tý tuổi đầu đã ra ra vào vào bệnh viện, mà còn chẳng biết sau này lớn lên sẽ thế nào nữa, liệu cháu có phát triển bình thường hay không", chị Long buồn bã chia sẻ.
"Với trẻ đang bú mẹ mà ngày đi ngoài 5-7 lần, nhưng trẻ vẫn bú, ăn, ngủ chơi bình thường thì không có gì cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại không biết điều này mà cứ nghĩ con bị tiêu chảy, rồi tự cho uống thuốc mới dẫn đến hậu quả đáng tiếc này", phó giáo sư Dũng nói.
Hiện trẻ vẫn tiếp tục được theo dõi, điều trị thải độc chì, quá trình này phải mất vài tháng. Các bác sĩ cũng chưa thể đánh giá hết được những ảnh hưởng của chì tới não.
Trước đó từ đầu năm, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về việc số trẻ bị ngộ độc chì do uống thuốc cam tăng đột biến. Trong đó chủ yếu là thuốc cam mua của những ông lang, bà lang bán dạo ở các chợ. Rất nhiều phụ huynh đã đổ xô đưa con đến bệnh viện xét nghiệm chì. Bộ Y tế cũng đã nghiêm cấm lưu hành các loại thuốc cam không có số đăng ký, không rõ nguồn gốc.
'Thuốc cam' là tên gọi dân dã của một bài thuốc y học cổ truyền, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được dùng chữa các bệnh ở trẻ nhỏ như tưa lưỡi, loét miệng, táo bón do nóng trong... Bài thuốc này gồm nhiều loại dược liệu trong đó thành phần chính là tinh dầu cây chàm. Ở miền Bắc, "thuốc cam" được sử dụng khá phổ biến, thường do các cơ sở gia truyền bào chế.
Theo Nam Phương (VNE)