Video: Bể kế hoạch hạ tầng vì metro 1 chậm tiến độ |
Về dự án metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên), báo cáo mới nhất của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết UBND TP đã kiến nghị Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng có ý kiến chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án vào cuối quý IV-2023 (thay vì cuối năm 2021). Với việc chậm tiến độ này, nhiều dự án hạ tầng kết nối metro 1 chưa thể khai thác hết tiềm năng như kế hoạch.
Bến xe Miền Đông mới rất vắng khách, hiện mỗi ngày bến chỉ xuất phát 9-10 chuyến xe. |
Metro 1 chậm, dự án hạ tầng khác bể kế hoạch
Bến xe Miền Đông (BXMĐ) (TP Thủ Đức) mới là một trong các dự án liên kết quan trọng với metro 1. Tuy nhiên, thay vì tuyến metro 1 hoàn thành vào cuối năm 2021 thì phải lùi ít nhất hai năm (đến cuối năm 2023) khiến kế hoạch vận hành, khai thác của BXMĐ mới bị ảnh hưởng.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết: “Lượng khách từ BXMĐ mới chưa nhiều. Một trong những lý do là bến xe mới là đầu mối liên kết giữa metro 1, tuyến xe buýt, tuyến liên tỉnh. Tuy nhiên, hiện metro 1 chưa hoàn thành và hành trình từ khu trung tâm TP ra bến mới còn xa”.
Cụ thể, BXMĐ mới (TP Thủ Đức) tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 740 tỉ đồng, đưa vào khai thác tháng 10-2020, dự kiến sẽ thay thế cho BXMĐ cũ hiện nay trong nội đô. Bến xe mới cũng được kỳ vọng trở thành điểm trung chuyển tiếp nối cho các tuyến xe tiếp theo hành trình của tuyến metro 1.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc BXMĐ, cho biết: “BXMĐ mới một ngày xuất bến tầm 9-10 chuyến xe, trong khi đó theo kế hoạch giai đoạn 1, bến này một ngày phải xuất bến từ 40 chuyến”.
Theo ông Chín, lý do BXMĐ chưa đáp ứng kỳ vọng một phần là do sự kết nối giao thông chưa đảm bảo.
TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, nhận định: “Tôi thấy không riêng gì BXMĐ mới “ế ẩm”, mà nhiều dự án khác kết nối kèm theo cũng sẽ bị liên lụy do metro 1 cứ ì ạch và kéo dài mãi”.
Ông Hùng cũng cho rằng hệ lụy từ metro 1 chậm tiến độ ảnh hưởng đến nhiều kế hoạch khác của TP.HCM về hạ tầng, giao thông, phát triển kinh tế…
Lý do metro 1 chậm tiến độ
Theo MAUR, tại Quyết định 4856 ngày 13-11-2019 của UBND TP.HCM về duyệt điều chỉnh dự án: Thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác quý IV-2021, thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng năm 2026.
Theo MAUR, lũy kế tổng khối lượng thực hiện toàn dự án metro 1 hiện đạt 90,97%. Hiện dự án đã nhập khẩu, vận chuyển 17/17 đoàn tàu về depot Long Bình, TP Thủ Đức để chuẩn bị cho giai đoạn vận hành, thử nghiệm.
“Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án đã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện” - MAUR nêu trong báo cáo gửi Sở KH&ĐT TP.HCM mới đây.
Theo đó, MAUR đã báo cáo và được UBND TP kiến nghị Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng có ý kiến chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành thủ tục phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án vào cuối quý IV-2023.
“Nhìn chung, tiến độ thực hiện dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do các gói thầu đang triển khai thi công của dự án là các gói thầu thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC” - MAUR lý giải.
Cụ thể, việc cung cấp các thông số giao diện và phạm vi công việc của các gói thầu EPC chưa được cụ thể ngay từ giai đoạn lập hồ sơ mời thầu. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác thiết kế của gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, máy móc toa xe…) cũng như ảnh hưởng đến tiến độ của các gói thầu khác.
Ngoài ra, MAUR cho biết có nhiều biến động liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án như: Giao diện của gói thầu số 3, khiếu nại, thiết kế kỹ thuật, di dời hạ tầng còn sót lại; công tác lựa chọn nhà thầu cho các hạng mục an toàn hệ thống, xây dựng tòa nhà chưa hoàn tất… Do đó, công tác chuẩn bị vận hành khai thác cũng bị ảnh hưởng và phải điều chỉnh theo tiến độ thực hiện dự án.•
Ảnh hưởng nhiều dự án bất động sản dọc tuyến
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối bất động sản, cho rằng: Khá nhiều dự án bất động sản đã được phát triển dọc theo tuyến metro 1 và giá bán sơ cấp, các giao dịch thứ cấp cũng đã có sự tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua, dù thực tế tuyến metro 1 chưa đi vào hoạt động.
Việc chậm đưa vào vận hành các tuyến metro có thể tạo ra sự bất tiện cho cộng đồng dân cư tại các khu vực thi công còn ngổn ngang. Sự thay đổi về ngày vận hành chính thức của metro cũng có thể tạo ra sự khó khăn nhất định cho các chủ đầu tư trong việc tính toán, lập kế hoạch, triển khai thi công và chọn thời điểm đưa vào vận hành khai thác. Điển hình như các dự án có cổng vào ngay tại trạm dừng metro để đón đầu dự án này.