Nguyên nhân tuyến metro số 1 chậm tiến độ

Theo MAUR, năm 2021 đơn vị phối hợp với các nhà thầu đưa dự án đạt được một số thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Nhiều nỗ lực trong năm 2020

MAUR cho biết trong năm 2020, đơn vị đã phối hợp với các nhà thầu triển khai dự án, từ đó đạt được một số thành tựu nổi bật. Cụ thể, tháng 2 chính thức thông tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên).

Tháng 4, chính thức bàn giao mặt bằng phía trước Nhà hát TP và hoàn thiện thi công tầng B1 trước kế hoạch đặt ra.

Tháng 8, các đơn vị đã tổ chức triển khai thi công các hạng mục kết nối với ga trên cao tại ga Khu công nghệ cao. Từ đây, chính thức bắt đầu triển khai đồng bộ kết nối các nhà ga với những loại hình giao thông khác xung quanh nhà ga.

METRO-SO-1

Ga Khu công nghệ cao đã dần hoàn thiện. Ảnh: ĐT.

Đặc biệt, tháng 10, tuyến metro số 1 chính thức đón đoàn tàu metro đầu tiên về nước. Tuyến metro số 1 bắt đầu chuyển qua một giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, UBND TP đã đồng ý với kế hoạch nhân sự vận hành, khai thác của công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1). Trên cơ sở đó, công ty HURC1 đã tuyển được 79 kỹ thuật viên điều độ và chín trưởng ga.

Song song đó, MAUR và HURC1 đã phối hợp các công việc chuẩn bị cho công tác khai thác, vận hành, phương án giá vé cho tuyến metro số 1, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá công tác quản lý, vận hành, bảo trì, giá thành theo km….

MAUR cũng đã phối hợp với các nhà thầu để triển khai được các công tác thi công trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Đồng thời, để giải quyết khó khăn và hỗ trợ nhà thầu, MAUR đã xin phép để làm thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài và xin cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia.

Tiến độ thi công vẫn còn chậm

MAUR nhận định tiến độ thi công vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra, tổng khối lượng toàn tuyến đạt 81%.

Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình thi công vẫn còn vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật còn sót lại của nhà dân dọc chín cầu bộ hành. Việc di dời các hộ dân trên đã phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các gói thầu.

Bên cạnh đó, về cơ chế tài chính và hiệp định vay hiện vẫn chưa thống nhất giá trị ODA cấp phát còn lại cho dự án, dẫn đến việc không thể giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm là hơn 2.185 tỉ đồng.

METRO-SO-1

Dù có nhiều nỗ lực song tiến độ thi công vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Ảnh: ĐT.

Qua bốn năm triển khai, NJPT và MAUR đã tiến hành đàm phán để ký lại phụ lục hợp đồng số 19 song vẫn chưa hoàn tất.

MAUR cho biết khối lượng thanh toán cho nhà thầu rất lớn, do đó cần tư vấn chung làm việc một cách liên tục. Mặt khác, việc chưa ký phụ lục hợp đồng đã làm gián đoạn công tác đào tạo lái tàu, điều độ, nhân viên nhà ga... ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch vận hành khai thác vào cuối năm 2021.

MAUR kiến nghị UBND TP.HCM sớm có ý kiến chỉ đạo và chấp thuận kết quả đàm phán để ký kết phụ lục hợp đồng với tư vấn.

Công tác kiểm định thiết kế kỹ thuật của các gói thầu còn kéo dài, phải thông qua các bước thẩm định của nhiều đơn vị để làm cơ sở phê duyệt. Do đó, việc thẩm định thiết kế kỹ thuật của dự án chưa đáp ứng tiến độ thi công và triển khai dự án.

Ngoài ra, việc dự án không hoàn thành đúng tiến độ cũng do các nguyên nhân như gia hạn hợp đồng gói thầu CP1a, các lệnh phát sinh gói thầu CP3, sự cố rơi gối cao su ở gói thầu CP2….

Dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng và làm chậm trễ đáng kể đối với kế hoạch thi công của các gói thầu. Trong đó bao gồm cả gói thầu xây lắp và gói thầu mua sắm trang thiết bị từ nước ngoài.

Theo kế hoạch đề ra của MAUR, trong năm 2020 sẽ nỗ lực hoàn thành 85%  toàn khối lượng dự án. Năm 2020 được coi là thời điểm chạy nước rút để hướng đến cuối năm 2021 sẽ vận hành, khai thác tuyến metro số 1.

Tuy nhiên, trong văn bản mới đây để báo cáo Sở Kế hoạch và đầu tư về tình hình dự án năm 2020, MAUR đã nêu một số kết quả đạt được và các khó khăn vướng mắc cần sớm tháo gỡ để thúc tiến độ. Trong đó, tiến độ toàn dự án đến nay chỉ đạt 81%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm