Bế mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI): Có thêm hai ủy viên Bộ Chính trị

Ngày 11-5, Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XI bế mạc. Rất nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước đã được thảo luận, ra kết luận hoặc cao hơn là nghị quyết.

Bổ sung nhân sự cao cấp

Ở công tác nhân sự, trên cơ sở danh sách ứng viên do Bộ Chính trị giới thiệu và người được đề cử trực tiếp tại hội nghị, Trung ương đã bầu bổ sung được hai ủy viên vào Bộ Chính trị (hiện gồm 14 người), là ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH. Bên cạnh đó, Trung ương đã bầu bổ sung được một ủy viên vào Ban Bí thư Trung ương Đảng (hiện gồm 10 người) là ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Cũng liên quan đến công tác nhân sự, Trung ương lần này thảo luận, cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự giới thiệu vào quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Bế mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI): Có thêm hai ủy viên Bộ Chính trị ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Được khởi động từ Hội nghị Trung ương 6 khi thông qua đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, tiếp theo là kế hoạch số 10 của Bộ Chính trị, đây là lần đầu tiên việc quy hoạch nhân sự Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được thực hiện sớm, chủ động và bài bản. Đáng chú ý, so với cơ cấu nhân sự truyền thống lâu nay, có thêm một số chức danh quan trọng được định hướng cơ cấu Bộ Chính trị, Ban Bí thư - chẳng hạn chức danh Chủ tịch MTTQ Việt Nam (lâu nay thường là ủy viên Trung ương), trưởng Ban Nội chính Trung ương, trưởng Ban Kinh tế Trung ương (hai ban mới tái lập), giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (lâu nay thường là ủy viên Trung ương), bộ trưởng Ngoại giao (hiện là ủy viên Trung ương).

Tăng quyền làm chủ trực tiếp của dân

Về hoàn thiện thể chế, Trung ương 7 đã thảo luận hai nội dung quan trọng, liên quan mật thiết tới nhau, là sửa đổi, bổ sung Hiến pháp (HP) 1992 và đề án về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị. Trên tinh thần nghị quyết Đại hội XI là đổi mới hệ thống chính trị phải đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế, Trung ương xác định việc kiện toàn tổ chức bộ máy phải đi đôi với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Hoàn thiện thể chế phải gắn liền với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Tăng cường quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, nhất là ở cơ sở. Không nhất thiết ở Trung ương có tổ chức nào thì ở địa phương cũng có tổ chức đó.

Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo ấy, cần tiếp tục rà soát, kiện toàn các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của MTTQ và các đoàn thể theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo, trùng lắp. Đẩy mạnh áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện “xã hội hóa” dịch vụ công, từng bước giảm chi lương viên chức từ ngân sách Nhà nước; quản lý chặt chẽ việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức quần chúng và số lượng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm dần số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Trong đợt nhân dân góp ý sửa đổi HP thời gian qua đã xuất hiện một số vấn đề mới, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau. Tại hội nghị này, Trung ương thảo luận cho ý kiến chỉ đạo định hướng lựa chọn, tiếp thu, giải trình. Vì sửa HP và đổi mới hệ thống chính trị liên quan tới nhau và có nhiều vấn đề khó, phức tạp nên Trung ương không ra nghị quyết mà giao các cơ quan tiếp tục nghiên cứu. Đảng đoàn QH và Ủy ban Dự thảo HP khẩn trương hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo HP sửa đổi để trình QH kỳ họp tới.

Kết thúc hội nghị này, ngoài các nội dung nêu trên, Trung ương đã ra nghị quyết về công tác dân vận, nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, kết luận tiếp tục xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm