Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển kinh tế trong giai đoạn năm năm 2021-2025 đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7%. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức, phần lớn là do đại dịch COVID-19 và những biến động của tình hình thế giới. Vì vậy, năm 2023 trở đi Việt Nam cần tạo ra những đột phá thực sự.
Xuất phát điểm của Việt Nam giai đoạn năm năm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gặp bất lợi do sức công phá của đại dịch COVID-19 và tình hình thế giới nhiều biến động như cạnh tranh với nước lớn, xung đột tại Ukraine và một số điểm nóng khác. Tăng trưởng giai đoạn 2021-2022 của Việt Nam chỉ đạt 5,18%, tạo áp lực lên mục tiêu tăng trưởng trong ba năm còn lại. Cụ thể, chúng ta phải đạt tăng trưởng bình quân từ gần 7,5% đến trên 8,0% trong giai đoạn 2023-2025 mới hoàn thành mục tiêu chung đề ra.
Như vậy, nếu chỉ kỳ vọng vào tăng trưởng của một năm 2023 là chưa đủ, nhất là khi các dự báo vĩ mô cho thấy quý I-2023, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn xuất phát từ dư âm của những vấn đề tồn tại từ giai đoạn trước. Điển hình như chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu vẫn chưa phục hồi; những mô hình cải cách mang tính thể chế sau dịch vẫn chưa phát huy hiệu quả; tình hình lạm phát vẫn còn khá đáng lo ngại; sự tái thiết của các doanh nghiệp còn ở mức thấp; những lo ngại về tình hình cung tiền và thị trường tài chính - tiền tệ vẫn chưa được dập tắt...
Hoạt động sản xuất tại công ty TNHH Datalogic, Khu công nghệ cao TPHCM. |
Việc chạy theo những con số tăng trưởng được một số chuyên gia đánh giá là “đắt đỏ”, bởi để thêm một điểm phần trăm tăng trưởng, Việt Nam sẽ phải tốn kém rất nhiều trong bối cảnh các nguồn lực còn hạn chế. Vậy nên chúng ta cần nhắm đến những giải pháp có tính chọn lọc và bền vững.
Thứ nhất, cải cách thể chế vẫn là “bài toán cũ” nhưng cần sự quyết tâm trong việc tìm lời giải. Bởi thể chế chính là “hạ tầng mềm”, vốn vẫn còn nhiều không gian cho nước ta cải cách để kỳ vọng tạo ra những “cú hích”.
Làm sao để người dân, doanh nghiệp thuận tiện làm ăn, dễ dàng tiếp cận các chính sách hữu ích, nhất là khi họ gặp nhiều khó khăn? Làm sao thúc đẩy sự minh bạch, công bằng theo cơ chế thị trường, đồng thời Nhà nước can thiệp ở mức phù hợp nhất để giảm thiểu rủi ro do “bàn tay vô hình” của thị trường tạo ra? Làm sao giảm thiểu sự rườm rà, bất nhất, thậm chí các biểu hiện dù mang tính thiểu số như quan liêu, tham nhũng trong thực thi công vụ, giải quyết các vấn đề thủ tục hành chính cho người dân?
Cạnh đó, nhìn từ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước thì làm sao để tạo ra cơ chế giám sát không chỉ định tính mà còn định lượng thông qua việc khuyến khích phân quyền, giao quyền; thu thập, tổng hợp, phân tích, hiển thị các đầu việc, nhiệm vụ, nhân sự… rõ ràng (trên các bảng hiển thị - dashboard); tạo cơ chế khuyến khích thông qua các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI)?
Tất cả câu hỏi này dù không mới và cũng đang được tìm lời giải nhưng cần phải được giải quyết nhanh chóng hơn, triệt để hơn. Việc lắng nghe và dũng cảm thay đổi sẽ là nhân tố then chốt để trả lời các câu hỏi “cũ nhưng khó” lâu nay khi nhìn về khía cạnh thể chế.
Thứ hai, “hạ tầng cứng” cũng rất cần được quan tâm, đặc biệt là cải cách chất lượng nguồn nhân lực. Các chỉ số tăng trưởng FDI báo hiệu tin vui khi nhiều ông lớn công nghệ cao, kinh tế số… đang chọn Việt Nam làm điểm đến. Nước ta cũng đang thúc đẩy kinh tế số và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, không chỉ công nghệ tài chính (fintech) mà còn nông nghiệp thông minh, du lịch, y tế chất lượng cao… Đó là cơ hội để chúng ta tạo ra “cú hích” cho nền kinh tế nếu vấn đề nguồn nhân lực được giải quyết rốt ráo.
Năm 2023 và những năm tới, việc rà soát nhu cầu thị trường lao động, làm việc với các trường đại học, viện nghiên cứu cùng các cơ quan, tổ chức liên quan để cung cấp nguồn lao động “hợp thời - hợp thế” là rất cần thiết. Nguồn nhân lực là “hàng hóa đặc biệt” nhưng vẫn theo quy luật cung cầu của thị trường. Vì vậy, Nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường sẽ là “tam giác vàng” để nguồn nhân lực Việt Nam, vốn còn rất nhiều dư địa, có thể phát huy được sức mạnh thực sự.
Thể chế và nguồn nhân lực sẽ là những “bệ phóng” cho tăng trưởng không chỉ ở giai đoạn 2023-2025 (giai đoạn tăng tốc hoàn thành mục tiêu Đại hội XIII), mà còn cho những năm tiếp theo.