Chị TTM, ngụ Phú Yên, cho biết hơn một tháng trước, con mình là bé BTT (12 tuổi) ngủ dậy nhưng không bước xuống giường được mà phải vịn thành ghế đứng dậy. Bé T. cảm thấy rất đau và tê chân.
Gia đình chuyển bé vào BV Nhi đồng 1. Chị M. cho biết thêm cách đây một năm, bé T. có biểu hiện khòm và gù lưng, chị M. hỏi con thì T. bảo không có đau gì hết. Lâu lâu, T. ngủ khó thở, mệt.
Tại BV Nhi đồng 1, qua các xét nghiệm hình ảnh, bé T. được chẩn đoán có khối bướu khủng chèn ép chiếm toàn bộ mặt phổi bên trái, kích thước 18 x 13,5 x 9 cm và phát triển lan đốt sống, chèn ép lên tủy.
Đây là nguyên nhân khiến bé vẹo cột sống, tê yếu hai chân dưới. Sau khi nhập viện, tình hình sức khỏe bé giảm sút nhanh khi sức cơ chân từ 4/5 giảm xuống còn 1/5, liệt cứng hai chân, tiêu tiểu mất cảm giác.
Bé T. dần hồi phục và đang nằm tại Khoa Ngoại thần kinh BV Nhi đồng 1. Ảnh: H.LAN
Các bác sĩ BV Nhi đồng 1 đã nhanh chóng hội chẩn toàn viện và liên viện để can thiệp phẫu thuật cho bé, tránh khối bướu gây di chứng không thể hồi phục được cho bé.
ThS-BS Đinh Việt Hưng, khoa Ngoại tổng hợp, nhận định: “Đây là trường hợp khó khăn điều trị, khối bướu đã lan sang ống sống, nơi chứa tủy sống và các rễ thần kinh khiến bé yếu dần, liệt dần. Nếu không điều trị kịp thời, bé sẽ có nguy cơ liệt hoàn toàn và không hồi phục dù có giải quyết được bệnh. Do đó, ca phẫu thuật ưu tiên giải áp cho tủy sống trước, làm giảm tổn thương cho tủy”.
Ca mổ đầu tiên được tiến hành trong năm tiếng đồng hồ cùng sự hội chẩn với BV Ung bướu và tham gia phẫu thuật của BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM và bóc được toàn bộ khối bướu lan trong ống sống cho bé. Sau khi được giải áp cho tủy, bé T. dần bớt tê chân và hồi phục.
Phim chụp X-Quang cho thấy khối bướu khủng trong lồng ngực lan sang ống sống gây biến dạng cột sống.
BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, nhớ lại: “Ekip mổ cũng có tính toán rằng có nên mổ giải phóng khối bướu trong tủy và phổi cùng thời điểm hay không. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định chờ vết thương cột sống lành và tìm ra bản chất của bướu trước. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đây là bướu hạch thần kinh, bướu lành nhưng nằm vị trí khá hiểm, chèn ép tim, phổi và có khả năng lan vào cột sống. Sau cuộc mổ đầu tiên, bé hồi phục ngoạn mục, từ không nhúc nhích được gì, bé co chân lên được và duỗi mạnh được làm động lực cho ca mổ tiếp tục”.
Sau ca mổ thứ hai, ekip mổ đã lấy trọn vẹn được khối bướu ra khỏi lồng ngực bệnh nhân. Hiện bé T. đã tỉnh, vết mổ tương đối ổn. Tuy nhiên, bé cần được theo dõi định kỳ coi có gì bất thường không.
BS Hiếu cho biết bệnh viện từng phẫu thuật nhiều bệnh nhi có khối bướu khủng trong lồng ngực tuy nhiên tình trạng bướu lan vào ống sống là lần đầu tiên gặp. Theo BS Hiếu, bướu lan vào ống sống tỉ lệ thấp, chỉ chiếm từ 1%-3%. Trường hợp bướu của bệnh nhi là dạng bướu lành, khả năng tái phát thấp.
Tuỳ vị trí bướu phát triển trong lồng ngực mà bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn, bướu chèn phổi sẽ gây suy hô hấp, khó thở, gây biến dạng lồng ngực. Ở trẻ em, xương có độ đàn hồi nên có thể phát hiện ra khối u nhô cao. Nếu bướu chèn mạch máu sẽ gây phù mặt, chèn tủy sẽ gây liệt.
Do đó phụ huynh cần phát hiện những dấu hiệu này để kịp thời đưa con em đi khám. Hầu hết các ca có khối bướu phát triển trong lồng ngực có chỉ định phẫu thuật, bệnh viện đều can thiệp thành công. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đến quá trễ sẽ không an toàn cho bệnh nhân.