Bến Bình Khánh và Cát Lái quá tải do thiếu phà

(PLO)- Đơn vị vận hành bến phà Bình Khánh và Cát Lái ở TP.HCM cho biết hiện các bến này đang thiếu phà nên đề xuất TP cho đóng thêm hai phà mới.

Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TP.HCM (viết tắt là công ty) thông tin: Hai bến phà Cát Lái (nối TP Thủ Đức - huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè - huyện Cần Giờ) đang thực sự quá tải do thiếu phà. Hiện công ty này đang tiếp tục xin đóng thêm hai phà mới để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Chờ hàng giờ để lên phà

Tuyến phà Cát Lái vốn được kỳ vọng góp phần giảm tải cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng đến nay vẫn luôn trong tình trạng ùn ứ, nhất là vào những ngày cao điểm.

Tài xế Nguyễn Thanh Sơn cho biết nhiều lần cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt xe, CSGT đã tổ chức phân luồng để người dân đi về hướng phà hoặc phía Quốc lộ 51. “Tuy nhiên, khi tới phà Cát Lái thì gặp tình trạng thoát tắc đường bộ gặp tắc đường thủy. Tôi nghe nói đang thiếu phà nên thời gian chờ đợi phà hơi lâu. Hơn hết, dịp lễ người dân đi ô tô nhiều nên việc xếp ô tô lên phà cũng mất nhiều thời gian hơn so với xe máy” - anh Sơn nói.

Vào những ngày cao điểm, phà Cát Lái đón khoảng 75.000 khách mỗi ngày. Ảnh: Đ.TRANG

Tương tự, bến phà Bình Khánh cũng quá tải vào những ngày cao điểm lễ, Tết, cuối tuần. Đã có lúc ô tô phải xếp hàng dài đến 1 km để chờ lên phà. Ở đầu ngược lại, hành khách cũng chờ hàng tiếng đồng hồ mới có thể quay về trung tâm TP. Anh Nguyễn Văn Giang (tài xế) cho biết: “Dịp 2-9 vừa qua, tôi chở khách qua huyện Cần Giờ du lịch dịp lễ, song thời gian chờ phà cũng bằng thời gian đi chơi. Tôi đã mất hơn 3 giờ để chờ phà” - anh Giang chia sẻ.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Cát Lái, cho hay vào những ngày cao điểm, lượng khách qua phà tăng cao đột biến trong khi bến đang thực sự thiếu phà. Cao điểm lễ, phà Cát Lái phải phục vụ tới 75.000 lượt khách/ngày, buộc đơn vị vận hành phải huy động tối đa lực lượng và số lượng phà hiện có.

Tương tự, phà Bình Khánh cũng phải huy động tối đa lượng phà để đáp ứng cho hơn 35.000 lượt hành khách/ngày. “Tuy nhiên, sắp tới một phà cũng hết niên hạn sử dụng, tình trạng ùn ứ có thể gia tăng. Vì vậy, TP cần sớm đóng phà mới để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân” - ông Thắng chia sẻ.

Kiến nghị đóng thêm hai phà mới

Đại diện công ty cho biết ngày thường bến phà vẫn có thể đảm đương được nhưng cuối tuần và dịp lễ là quá tải. Từ năm 2019 đến nay đã có bốn phà hết niên hạn sử dụng nên lượng phà hoạt động ngày càng giảm. Tới đầu năm 2024 sẽ có thêm một phà hết niên hạn sử dụng.

“Vì vậy, nếu TP không cho phép đóng thêm phà sẽ ảnh hưởng tới việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mặc dù công ty hoạt động hết công suất các phà hiện có nhưng không cải thiện tình trạng ùn ứ” - vị đại diện nói.

Từ năm 2021, đơn vị vận hành phà Cát Lái và Bình Khánh đã kiến nghị TP.HCM cho phép đóng mới hai phà thay thế các phà hết niên hạn sử dụng, song đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn ứ như trên là thực hiện theo Nghị định 111/2014, phà hết niên hạn sử dụng không được phép hoạt động. Từ năm 2020 đến nay, công ty đã giảm năm phà do hết niên hạn sử dụng. Theo đó, với số lượng 15 phà hiện nay không đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.

“Trước tình hình đó, từ năm 2021, công ty đã kiến nghị UBND TP.HCM cho phép đóng mới hai phà (200 tấn) thay thế các phà hết niên hạn sử dụng, song đến nay vẫn chưa được chấp thuận” - đại diện công ty nêu rõ.

“Trong khi đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa chấp thuận cho Cục Quản lý đường bộ IV đóng mới 14 phà và đã đưa vào sử dụng 13 phà cho cụm phà Vàm Cống và các bến phà khu vực ĐBSCL.Vì vậy, để đảm bảo việc vận chuyển hành khách được an toàn, thông suốt, giảm tình trạng ùn ứ xe tại bến phà Bình Khánh và bến phà Cát Lái, công ty kính đề nghị UBND TP chấp thuận cho đóng hai phà mới thay thế các phà hết niên hạn sử dụng” - đại diện công ty cho hay.

Về vấn đề này, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết các sở, ngành đang họp bàn, trước mắt đưa ra phương án thuê phà để vận hành. Các sở, ngành cũng còn tính toán nhiều yếu tố mới quyết định thuê phà hay đóng phà mới.

Trước ý kiến của Sở GTVT, phía công ty cho rằng việc thuê phà để chạy thay phà hiện hữu sẽ không phù hợp với bến phà hiện nay. Được biết, TP dự tính thuê phà biển, song khu vực hai bến phà đang hoạt động là sông nên không phù hợp.

“Hơn hết, chúng tôi cũng khó có thể vận hành được ngay lập tức mà cần phải tập huấn” - đại diện công ty nói.•

Chưa ấn định thời gian làm cầu Cần Giờ, Cát Lái

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết dự án cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng. Hiện Sở GTVT đã hoàn tất việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, song cần cân đối nguồn vốn mới có thể triển khai đầu tư xây dựng.

Tương tự, về cầu Cát Lái, Sở GTVT TP cũng cho biết hiện nay về quy hoạch đã có, đã cập nhật hoàn chỉnh xong quy hoạch. Tuy nhiên, việc đầu tư dự án này cần triển khai để đảm bảo đồng bộ với các dự án hiện nay ở phía TP Thủ Đức. Như vậy, phải sau năm 2030 mới có thể đầu tư được dự án cầu Cát Lái.

Trong khi đó, phía tỉnh Đồng Nai mong muốn xây dựng cầu Cát Lái trước năm 2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới