Liên tục trong các ngày qua, bờ sông Giao Hòa khu vực tiếp giáp giữa sông Giao Hòa và sông Tiền thuộc ấp Hòa Hưng Thạnh (xã Giao Long, huyện Châu Thành, Bến Tre) liên tục xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại và cuộc sống của người dân.
Sạt lở nghiêm trọng cắt đứt đường giao thông tại khu vực bờ sông Giao Hòa. Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Đến thời điểm hiện tại, đợt sạt lở vừa qua bờ sông Giao Hòa đã bị sạt lở ăn sâu vào đất liền khoảng 10m, dài khoảng 30m, làm khoảng 300m2 đất bị sụp xuống sông. Sạt lở làm cắt đứt đường giao thông huyện lộ khiến người dân không thể lưu thông qua đoạn này.
Ngoài ra, sạt lở khu vực bờ sông Giao Hòa còn ảnh hưởng đến 2 trụ điện trung thế phải di dời. Nguy hiểm hơn, xung quanh khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt nguy cơ sạt lở sẽ còn tiếp diễn đe dọa đến nhà ở của 2 hộ dân ven bờ sông này.
Ông Nguyễn Văn Mầu (86 tuổi, ở ấp Hòa Hưng Thạnh, xã Giao Long) là hộ nghèo có nhà cạnh bờ sông Giao Hòa lo lắng sạt lở đã ăn gần sát vách nhà ông.
“Ở đây tôi rất phập phồng lo lắng không biết khi nào căn nhà của tôi sẽ đổ sập xuống sông. Tôi cũng muốn di dời đi nơi khác để chạy sạt lở, nhưng khổ nỗi gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo không có đất để di dời. Tôi mong chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình tôi có nơi ở để di dời chạy sạt lở”- Ông Mầu lo lắng.
Khu vực sạt lở đã được rào chắn cảnh báo khu vực nguy hiểm. Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Cạnh hộ ông Mầu có hộ ông Võ Minh Ngọc (86 tuổi) cũng trong tình trạng tương tự, gia đình ông Ngọc thuộc diện hộ cận nghèo chỉ có ngôi nhà duy nhất ven sông Giao Hòa để ở. Tuy nhiên hiện ngôi nhà của ông Ngọc đang đứng trước nguy cơ bị sạt lở xuống sông Giao Hòa và mong mỏi nhà nước hỗ trợ nền tái định cư để sớm được di dời.
Theo ghi nhận, hiện khu vực sạt lở đã được chính quyền và ngành chức năng rào chắn cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, đồng thời hướng dẫn người dân lưu thông theo hướng khác.
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Giao Hòa. Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Ngày 26-6, ông Lê Bạch Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Long, huyện Châu Thành cho biết, tình hình sạt lở bờ sông Giao Hòa diễn ra đã lâu kể từ khi hệ thống cống đập Ba Lai bắt đầu vận hành từ năm 2002 khiến dòng chảy từ sông Ba Lai đổ ra sông Giao Hòa làm thay đổi dòng chảy rất mạnh gây ra sạt lở nghiêm trọng tại bờ sông Giao Hòa đã nhiều năm nay.
Theo ông Sơn, hàng chục năm nay uớc tính khu vực bờ sông Giao Hòa sạt lở đã làm mất khoảng hơn 10ha đất và nhiều hộ dân phải di dời do ảnh hưởng của sạt lở.
Cũng theo ông Sơn, khu vực sạt lở nói trên nằm trong khu vực thuộc công trình Cống âu thuyền Giao Hòa - An Hóa (huyện Châu Thành, Bến Tre) thuộc dự án quản lý nước Bến Tre -JICA 3 đang được Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Đến nay địa phương đã thực hiện giải phóng mặt bằng sắp xong, tuy nhiên dự án này chưa được triển khai.
Xung quanh khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt nguy cơ sạt lở sẽ còn tiếp diễn. Ảnh: ĐÔNG HÀ |
"Trước tình hình sạt lở bờ sông Giao Hòa diễn biến ngày càng phức tạp nguy cơ sạt lở sẽ còn tiếp diễn, chính quyền địa phương và người dân xã Giao Long mong muốn dự án Cống âu thuyền Giao Hòa- An Hóa sớm được triển khai để đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt và ngăn chặn sạt lở ổn định cuộc sống người dân ven sông Giao Hòa"- ông Lê Bạch Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Long nói.