Như báo Pháp Luật TP.HCM ngày 17-7 đã đặt vấn đề (xem bài “Bệnh nhân cấp cứu bị “cắt” quyền lợi”), bệnh nhân cấp cứu cùng một loại bệnh như đau đầu, chóng mặt, sốt, ói…, đặc biệt là trong tình huống đêm khuya, có bệnh viện chấp thuận cấp cứu và cho hưởng chế độ BHYT 100% (dù trái tuyến) nhưng cũng có bệnh viện chỉ cho hưởng BHYT 30%; trong khi Luật BHYT quy định bệnh nhân có BHYT đi cấp cứu ở bất cứ tuyến nào cũng được hưởng đầy đủ quyền lợi. Nhằm làm rõ hơn tại sao có sự khác biệt này, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã gặp trực tiếp những người có trách nhiệm của một số bệnh viện lớn để tìm câu trả lời.
Hạn chế bệnh nhân vượt tuyến
Một lãnh đạo bệnh viện (không muốn nêu tên) thú nhận: “Do phía BHYT xuất toán nhiều quá nên bệnh viện sợ thâm quỹ. Khi xuất toán, BHYT thường dựa lý do tại sao người dân cấp cứu không vào bệnh viện quận/huyện mà đến tuyến trên, trong khi bệnh này bệnh viện quận/huyện trị được?”. Vị lãnh đạo này nêu ví dụ mới đây có bệnh nhân ở tỉnh Long An đi cấp cứu cố tình vượt tuyến, thuê xe lên thẳng bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM. Theo quy định thì bệnh nhân cấp cứu có quyền đến bất kỳ bệnh viện nào nhưng trong trường hợp này bệnh viện tuyến tỉnh xử lý được mà bệnh nhân cứ đổ lên tuyến trên thì bệnh viện tuyến trên chịu thêm nhiều áp lực không đáng có.
Khi vào cấp cứu, dù trái tuyến, bệnh nhân được giải quyết tình trạng bệnh trước. Ảnh: TÙNG SƠN
Theo BS Nguyễn Thành Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, khi tiếp bệnh nhân cấp cứu, nhiệm vụ của bệnh viện là xác định bệnh nhân thuộc một trong hai dạng bệnh: Bệnh cấp cứu đe dọa đến tính mạng (được hưởng 100% BHYT) và bệnh người dân nghĩ là cần cấp cứu (chỉ hưởng 30% BHYT). BS Dũng cũng khẳng định bác sĩ bệnh viện là người quyết định việc này. “Phía BHYT không quá khắt khe chuyện này, có trường hợp không rõ ràng có thể bốc điện thoại hỏi BHYT” - BS Dũng nói.
Cũng theo BS Dũng, trên thực tế có khá nhiều bệnh nhân cấp cứu vượt tuyến với các triệu chứng thông thường như sốt hay chóng mặt, nôn ói nhiều, đau bụng… nên chỉ được thanh toán 30% BHYT. “Chúng tôi cũng rất trăn trở vấn đề này. Nếu cấp cứu ở cơ sở thì được thanh toán hết” - BS Dũng tâm sự và cho rằng cần phát triển hệ thống y tế cơ sở ngày càng chất lượng hơn để người dân yên tâm đến điều trị, thay vì bệnh nhẹ cũng đổ lên tuyến trên.
Bác sĩ nhận định phải khách quan
Như vậy để bảo vệ quyền lợi bệnh nhân cấp cứu, việc xác định bệnh nào nguy hiểm tính mạng, bệnh nào không là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, thì việc đánh giá bệnh nào cấp cứu hay không cấp cứu rất phức tạp và đau đầu.BS Quân nêu ví dụ cùng một loại bệnh viêm dạ dày nhưng một bệnh nhân vào bệnh viện trong tình trạng đau đớn, rên la, được bác sĩ xử lý ngay thì thuộc diện cấp cứu; trong khi bệnh nhân khác chỉ đau âm ỉ, bác sĩ đánh giá thấy ổn thì chuyển họ sang phòng khám.
TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, giải thích việc xác định này đòi hỏi yếu tố chuyên môn cao nên nhận định của bác sĩ phải khách quan, chính xác chứ không phụ thuộc vào quy định nào của BHYT. “Tuy nhiên, theo quy định của BHYT, bệnh nhân bắt buộc phải đi đúng tuyến đầu tiên, nếu cố tình đến BV 115 thì chỉ được hưởng 30%, trừ bệnh nhân vùng sâu, vùng xa như Cần Giờ” - TS Phú nhấn mạnh.
DUY TÍNH
Hiện tất cả khoa cấp cứu đều có quy trình khám, chữa bệnh. Bệnh nhân nhập viện sẽ được bác sĩ khám, phân loại bệnh nào là cấp cứu, bệnh nào không. Ngoài tai nạn, các bệnh lý như viêm ruột thừa cấp, cao huyết áp, viêm phổi cấp… là bệnh cấp cứu. Đau đầu, chóng mặt, ói mửa… nửa đêm đi cấp cứu (ban đêm bệnh viện không tổ chức khám thông thường), bệnh nhân có thể vào bất cứ tuyến nào. Khi vào cấp cứu (trái tuyến hoặc đúng tuyến), bệnh nhân không phải chờ chuyển tuyến đúng hay theo các quy định khác mới được hưởng BHYT mà được giải quyết tình trạng cấp cứu trước; tức được khám, chẩn đoán cận lâm sàng và quyết định xử trí nhanh của bác sĩ. BS Đỗ Quốc Hiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, |