Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 17-7 đăng bài “Bệnh nhân cấp cứu bị “cắt” quyền lợi” nêu thắc mắc của bệnh nhân cấp cứu sao không phải lúc nào cũng được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) 100% theo quy định? Nhằm làm rõ vấn đề này, PV Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).
Cấp cứu ngay, không chần chừ
. Phóng viên: Thưa ông, Bộ Y tế quy định chi trả như thế nào đối với các trường hợp bệnh nhân cấp cứu có thẻ BHYT?
. Hiện một số bệnh viện phân loại bệnh nhân cấp cứu thành hai dạng bệnh nguy hiểm đến tính mạng và dạng không nguy hiểm đến tính mạng. Đối với dạng sau chỉ được thanh toán 30% chế độ BHYT. Vậy việc phân loại trên của bệnh viện là đúng hay sai?
+ Theo tinh thần và quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHYT thì không có quy định cấp cứu là phải đúng tuyến hay bệnh nào nguy hiểm, bệnh nào không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường hợp bệnh nhân chỉ bị bệnh nhẹ nhưng muốn lạm dụng tình trạng cấp cứu để được hưởng nhiều quyền lợi. Trong trường hợp đó, bác sĩ bệnh viện có quyền quyết định bệnh đó là cấp cứu hay không và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Theo quy định của Bộ Y tế, đối với những trường hợp cấp cứu, bác sĩ phải tổ chức cấp cứu ngay. Ảnh: TÙNG SƠN
Bác sĩ có quyền “cãi” giám định viên
. Bệnh viện giải thích chỉ thanh toán 30% đối với những trường hợp cấp cứu được xác định là bệnh không nguy hiểm vì sợ cơ quan BHYT xuất toán với những trường hợp này…
+ Theo quy định, để tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT từ phía bệnh viện, cơ quan BHYT sẽ tổ chức giám định những trường hợp nghi ngờ, qua giám định thấy không phải tình trạng cấp cứu mà bệnh viện đưa vào thì sẽ không thanh toán 100%. Vì vậy theo tôi, khi bệnh nhân vào nếu không phải tình trạng cấp cứu thì bác sĩ phải giải thích rõ ngay cho bệnh nhân; không được bắt bệnh nhân viết cam kết chỉ nhận 30%. Như tôi đã nói ở trên, bác sĩ là người có quyền quyết định tình trạng cấp cứu hay không và cũng là người có quyền “cãi” với giám định viên đây là trường hợp cấp cứu. Khi hai bên thống nhất là bệnh cần cấp cứu thì BHYT sẽ phải thanh toán theo quy định. Bởi vậy không thể giải thích rằng chỉ thanh toán 30% vì sợ BHYT xuất toán.
. Đứng về phía quyền lợi người bệnh, họ rất muốn ngành y tế có quy định rõ bệnh nào cấp cứu, bệnh nào không cấp cứu. Ông nghĩ thế nào về đề nghị này?
+ Việc chẩn đoán người bệnh có phải bệnh cấp cứu, tình trạng cấp cứu hay không phụ thuộc vào trình độ, khả năng chuyên môn của từng bác sĩ và việc tuân thủ các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các quy chế chuyên môn... Cấp cứu là danh từ chỉ chung cho bệnh phải cấp cứu hoặc tình trạng cần phải được cấp cứu của một bệnh hoặc nhiều bệnh diễn ra trên một người bệnh. Do vậy không thể có quy định rõ ràng bệnh nào cấp cứu, bệnh nào không. Điều này đòi hỏi các cơ sở khám, chữa bệnh phải không ngừng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho người hành nghề khám, chữa bệnh. Đồng thời tăng cường nâng cao nhận thức pháp luật về khám, chữa bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức thực hiện.
HUY HÀ thực hiện
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Việt Nam, khẳng định: “Quan điểm của cơ quan BHXH là không cắt giảm chế độ BHYT của bệnh nhân. Chỉ trong trường hợp giám định lại các ca không nhất thiết phải đưa vào dạng cấp cứu thì cơ quan BHXH chỉ nhắc nhở để điều chỉnh tốt hơn, đúng hơn”. Theo ông Sơn, trên thực tế việc xác định tiêu chí bệnh nhân cấp cứu hay không là cực khó, do phụ thuộc nhiều vào chuyên môn ngành y. “Một khi bác sĩ xác nhận đó là trường hợp cấp cứu thì không cần xuất trình thêm các thủ tục khác, sau đó chỉ cần xuất trình thẻ BHYT thì được hưởng 100% chế độ theo quy định” - ông Sơn nói. P.ĐIỀN ghi Nhiệm vụ của bác sĩ là khám, chữa bệnh. Việc bác sĩ bệnh viện giải thích cho người bệnh được hưởng bao nhiêu phần trăm BHYT là sai chức năng, nhiệm vụ. Việc giải thích đó thuộc nhiệm vụ của bộ phận thuộc cơ quan BHYT làm tại bệnh viện. PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) |