Bệnh đau mắt đỏ phức tạp, trường học khẩn trương phòng ngừa

(PLO)- Bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện một số ca trong môi trường học đường. Trước tình hình trên, trường học khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo HCDC, trong tám tháng đầu năm 2023, đã có 63.000 ca đau mắt đỏ được ghi nhận tại TP.HCM. Hiện nay, học sinh đã bước vào năm học mới. Trường học là môi trường khiến bệnh lây lan nhanh và nhiều.

Con đau mắt đỏ, cả nhà bị lây

Dù ngày đầu tuần nhưng anh AT, sống tại TP Thủ Đức, vẫn phải xin nghỉ ở nhà do đang bị đau mắt đỏ. Không chỉ riêng anh mà cả nhà đều bị.

“Thứ Năm tuần trước đi học về, thấy mắt con bị ghèn, đỏ, qua nắm bắt thông tin tôi biết đó là những dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ. Con phải nghỉ học từ thứ Sáu đến giờ. Lớp con cũng bị mấy bạn. Con bị rồi lây luôn cho cả nhà” - anh T nói không chỉ trường con anh theo học mà nhiều trường khác trên địa bàn cũng đã xuất hiện trường hợp các bé bị đau mắt đỏ.

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình rửa tay sạch sẽ sau giờ chơi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình rửa tay sạch sẽ sau giờ chơi.
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Sáng nay, nhà trường đã phải gọi điện thoại cho 10 phụ huynh lên đón con về do có triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ” - ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, cũng cho biết.

Theo ông Hùng, tính đến nay trường đã có vài chục em bị đau mắt đỏ. Có lớp bị năm em nhưng có lớp tới 15 em bị.

Ngay khi nắm được tình hình bệnh đau mắt đỏ xuất hiện trên địa bàn TP, trường đã tăng cường công tác truyền thông đến phụ huynh học sinh qua hệ thống E-Netviet của trường. “Đối với học sinh lớp 1 do chưa đăng ký hệ thống nên trường có gửi thông báo qua Zalo, đặc biệt in ra bài tuyên truyền phòng bệnh đau mắt đỏ trao tận tay phụ huynh” - ông Hùng nói thêm.

Học sinh không đi học khi có dấu hiệu bệnh

Ông Hùng cũng cho biết thời điểm này các biện pháp phòng ngừa được trường thực hiện nghiêm túc từ việc nhắc nhở học sinh rửa tay trước khi vào lớp, sau giờ chơi, sau giờ ăn cho đến vệ sinh, khử khuẩn lớp học.

Theo ông Hùng, trong thời gian tới, trường sẽ tăng cường đội ngũ đoàn viên, thanh niên đứng ở cổng để có thể phát hiện kịp thời học sinh có dấu hiệu thì trao đổi với phụ huynh cho các em nghỉ học.

“Trong quá trình học, nếu học trò có biểu hiện đau mắt sẽ được giáo viên chủ nhiệm đưa xuống phòng y tế. Tại đây, nhân viên y tế sẽ thăm khám, xử lý bước đầu. Trường sẽ gọi điện thoại cho phụ huynh đến đưa các em về điều trị, nghỉ ngơi” - ông Hùng nói và cho biết đa phần phụ huynh đều đã nắm bắt được tình hình về bệnh nên phối hợp rất tốt với trường.

Các bé Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp rửa tay sạch sẽ sau giờ chơi. Ảnh: Nguyễn Quyên
Các bé Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp rửa tay sạch sẽ sau giờ chơi. Ảnh: Nguyễn Quyên

Tại Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tới thời điểm này trường chưa ghi nhận trẻ bị đau mắt đỏ, tuy nhiên với tình hình hiện nay rất khó tránh khỏi. Do đó, trường cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

“Việc rửa tay, khử khuẩn, vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp học được trường duy trì thường xuyên từ đợt dịch tới giờ. Hằng ngày giáo viên sẽ vệ sinh lớp học, tay vịn cầu thang, hằng tuần giặt gối, mền, vệ sinh đồ chơi, khử khuẩn” - bà Mai nói thêm.

Bên cạnh đó, trường tăng cường tuyên truyền cũng như gửi thông báo cho phụ huynh về bệnh, nhắc nhở, hướng dẫn cách vệ sinh cho trẻ tại nhà. Đặc biệt trong thông báo trường có lưu ý nếu phát hiện bé có dấu hiệu bị đau mắt đỏ thì phải tới cơ sở thăm khám và cho bé nghỉ học 7-10 ngày. Đồng thời, phụ huynh thông báo cho giáo viên chủ nhiệm biết để vệ sinh khử khuẩn đồ dùng tránh lây lan các bé khác.

Trong sáng qua (11-9), Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh cũng tổ chức tuyên truyền các dấu hiệu về bệnh đau mắt đỏ cho học sinh nắm trong buổi sinh hoạt dưới cờ. “Trường tăng cường thực hiện vệ sinh, khử khuẩn lớp học. Đối với giáo viên phải chuẩn bị sẵn nước muối sinh lý nhỏ mỗi ngày. Học sinh được nhắc nhở rửa tay thường xuyên, đặc biệt trong giờ chơi có chiếu clip sáu bước rửa tay để các em nắm” - bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường, nói.

Dẫn ý kiến từ các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới, theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thường do các tác nhân virus gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie,…), bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh. Không có chuyện bệnh đau mắt đỏ lây lan qua đường nước uống.

Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau: có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng,..), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chứ không phải chỉ có một loại “Tobrex” để trị đau mắt đỏ như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin,… Nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc.

Thuốc điều trị tăng giá

Do số người bị đau mắt đỏ ở TP.HCM ngày càng tăng nên nhiều loại thuốc dùng điều trị bệnh này tăng giá và khan hiếm.

Tại nhà thuốc trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.HCM), khi nghe PV hỏi mua thuốc trị đau mắt đỏ hiệu S của Pháp, người bán cho biết chỉ còn một lọ duy nhất với giá 69.000 đồng. “Hổm rày nhiều người mua thuốc này lắm. Có người nói mua để sẵn trong nhà, khi nào bị đau mắt đỏ thì dùng” - người bán nói.

Tại nhà thuốc trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP.HCM), người bán lắc đầu khi nghe PV hỏi mua thuốc điều trị đau mắt đỏ hiệu H của Anh. PV hỏi mua thuốc hiệu M của Mỹ, người bán nói “hết rồi”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, dược sĩ (DS) Nguyễn Thị Kim Anh, Chủ tịch Chi hội Dược - Nhà thuốc TP.HCM, cho biết hiện xảy ra tình trạng khan hiếm một số loại thuốc điều trị đau mắt đỏ là do lượng người mắc căn bệnh này gia tăng đột biến nên các công ty nhập khẩu không cung ứng đủ thuốc điều trị đau mắt đỏ cho các nhà thuốc. Bên cạnh đó, nhiều người mua trữ thuốc điều trị đau mắt đỏ để dùng khi có bệnh cũng góp phần gây ra hiện tượng khan hiếm.

“Tuy nhiên, thuốc đau mắt đỏ chỉ khan hiếm đối với những sản phẩm ngoại nhập. Riêng thuốc điều trị đau mắt đỏ sản xuất tại Việt Nam chất lượng tốt, giá rẻ không bị khan hiếm” - DS Kim Anh cho biết thêm.

“Người dân không nên trữ sẵn thuốc trị đau mắt đỏ tại nhà. Khi bị đau mắt đỏ thì nên tới bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và tư vấn dùng thuốc. Nếu thuốc điều trị đau mắt đỏ nhập khẩu không còn, nhà thuốc sẽ tư vấn thay thế thuốc tương tự cùng thành phần nhưng chất lượng tương đương” - DS Kim Anh nói.

Một nhà thuốc trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM cháy hàng thuốc điều trị đau mắt đỏ hiệu Tobrex. Ảnh: VÕ THƠ

Một nhà thuốc trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM cháy hàng thuốc điều trị đau mắt đỏ hiệu Tobrex. Ảnh: VÕ THƠ

Chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.

2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

7. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

8. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm