Anh NVH (30 tuổi) ở Đồng Nai bị bệnh giời leo lan dọc thân sườn một tháng nay nhưng chưa hết bệnh. Cảm giác đau nhức và khó chịu làm anh rất lo lắng. Mảng da nơi bị giời leo ngày một lan rộng và bọng nước nhiều hơn.
Stress cũng có thể bị giời leo
Quá lo sợ, anh đã đến khám tại Phòng khám da liễu BV ĐH Y Dược TP.HCM. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ biết được anh H. vì quá áp lực với công việc, thức khuya, mất ngủ nên cơ thể suy nhược. Từ nguyên nhân đó có thể là điều kiện thuận lợi để siêu vi gây bệnh giời leo phát triển trở lại và gây bệnh.
Bà LTL ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) cũng bị bệnh giời leo nhưng cứ nghĩ do con giời “tè” lên vùng da, nổi mẩn ngứa và đau rát nên đã tự nhai hạt đậu xanh đắp lên vết thương. Vài tuần tự điều trị bằng phương pháp này nhưng bệnh tình của bà vẫn không khỏi. Mảng da nơi bị xâm hại có dấu hiệu lan ra ngày một rộng hơn, lở loét và tụ mủ… Khi đến khám bệnh, các bác sĩ kết luận bà L. đã bị nhiễm trùng da do tự điều trị bệnh này.
Theo BS Nguyễn Trọng Hào, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Da liễu TP.HCM, có những người khi thấy trên người nổi mụn nước cứ nghĩ mình mắc bệnh zona, trong khi đó có thể họ chỉ bị viêm da dị ứng do tiếp xúc với côn trùng hoặc mủ cây cỏ. Khi ra nhà thuốc, họ được bán loại thuốc kháng virus herpes simplex uống và thoa. Loại thuốc này mắc tiền, nhiều khi uống không đúng công dụng. “Khi có dấu hiệu như bị zona hoặc cơ thể nổi mụn nước, cần đi khám để được bác sĩ điều trị đúng” - BS Hào khuyến cáo.
Giời leo và zona là một!
BS Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám da liễu BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng bệnh giời leo có tên khoa học là zona. Trong dân gian cho rằng bệnh này do con giời “tè” lên da gây nên nhưng thực sự bệnh giời leo và zona là một. Đây là một bệnh hướng thần kinh và da do siêu vi herpes zoster (tác nhân gây bệnh thủy đậu) gây ra. Bệnh giời leo thường gặp ở những người mắc bệnh thủy đậu trước đó và sau này tái hoạt lại gây ra bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân tái hoạt lại vẫn chưa rõ. Bệnh này xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở những trẻ lớn trở lên và đã từng bị mắc thủy đậu. Những người mắc bệnh về máu, tiểu đường, ung thư, bệnh suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS), đặc biệt là bệnh lupus đỏ và người già dễ bị bệnh giời leo hơn người bình thường.
BS Lê Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cũng cho rằng lâu nay người ta vẫn thường nhầm lẫn giời leo và zona là hai loại bệnh khác nhau nhưng thực ra đây là hai tên gọi của cùng một loại bệnh. Ước tính cứ 10 người bị bệnh thủy đậu sẽ có một người phát bệnh giời leo sau 50 tuổi. Thông thường bệnh này chỉ xuất hiện một lần trong đời.
Theo BS Minh, nếu người bị bệnh không bị nhiễm trùng hoặc miễn dịch bình thường thì sẽ lành và để lại vết sẹo mất sắc tố. Đối với người có những yếu tố thuận lợi cho siêu vi gây bệnh giời leo phát triển thì chậm lành hơn và tổn thương lan rộng, xuất huyết, hoại tử hoặc dễ bị các biến chứng hơn. Biến chứng thường gặp là dễ bị nhiễm thêm vi trùng do mụn nước bị vỡ. Nếu bị bệnh giời leo ở mắt sẽ dễ bị sẹo giác mạc, thiên đầu thống hoặc bọng mủ.
BS Lê Hùng lại cho rằng bệnh giời leo rất nguy hiểm khi xuất hiện ở tai, sau đó lan ra vùng mặt (siêu vi có thể tấn công dây thần kinh số VII gây liệt mặt nặng nề, khó hồi phục), lan lên trán, đôi khi lan vào mắt (siêu vi tấn công vào nhánh mắt của dây thần kinh sọ não số V làm giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn).
Không nên “khoán” hoặc đắp đậu xanh
Theo BS Minh, đa số bệnh nhân bị bệnh giời leo đều khỏi bệnh tự nhiên nên không cần điều trị thuốc chống siêu vi. Chỉ cần điều trị triệu chứng ở người bình thường là đủ. Có thể sử dụng thuốc giảm đau, sinh tố nhóm B liều cao, thoa dung dịch màu phỏng bội nhiễm. Nếu đau nhức nhiều nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu khám để được hướng dẫn. Đối với những người có yếu tố thuận lợi để siêu vi gây bệnh giời leo thì cần điều trị thêm thuốc chống siêu vi. Những trường hợp vết ban và vết phồng xuất hiện ở mũi hoặc gần mắt thì phải đến bác sĩ khám ngay lập tức.
BS Lê Hùng cũng cho biết thêm bệnh giời leo điều trị theo y học cổ truyền cũng có những kết quả khả quan. Còn những phương pháp dân gian chữa bệnh giời leo như “khoán” trên vùng tổn thương bằng mực xạ (mực tàu), giã, nhai đậu xanh hoặc một số dược thảo rồi đắp lên vết thương… đều không nên dùng vì có thể gây nhiễm trùng khiến bệnh nặng thêm và để lại di chứng, đặc biệt là những vết sẹo lớn trên cơ thể. Người bệnh có thể tắm hằng ngày nhưng không nên xoa xà phòng trực tiếp lên vùng da bị tổn thương.
Dấu hiệu nhận biết bệnh giời leo Có hai nhóm dấu hiệu nhận biết bệnh giời leo là thần kinh và da. 1. Thần kinh: Rối loạn vùng da sắp nổi thương tổn thường gặp nhất như bỏng, nóng rát, châm chích, tê đau. Cảm giác nóng rát nhất là về đêm. Đối với người lớn tuổi có thể bị đau dữ dội từng cơn hoặc liên tục. Ngoài ra, người bệnh còn bị đau dọc dây thần kinh ở nửa bên cơ thể. 2. Da: Sau vài ngày khi vùng da rối loạn cảm giác sẽ xuất hiện các mảng màu hồng riêng lẻ và tụ thành mảng lớn. Trên bề mặt mảng này có những mụn nước hợp thành chùm ở trung tâm. Các mụn nước này có thể lớn thành bóng nước chứa dịch trong. Vài ngày sau mụn nước vỡ ra, khô và đóng vảy. Vị trí của da bị tổn thương rất đặc trưng ở nửa bên cơ thể và đi dọc theo đường đi của dây thần kinh. BS HOÀNG VĂN MINH, Trưởng phòng khám da liễu BV |
HUYỀN VI - DUY TÍNH