“Người lao động hiện nay đang đối diện với nhiều tiềm ẩn nguy cơ bệnh nghề nghiệp”. TS-BS Trịnh Hồng Lân, Trưởng khoa Sức khỏe lao động - Bệnh nghề nghiệp (Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, Bộ Y tế), cho biết tại Hội thảo Môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp do Hội Y học TP.HCM tổ chức sáng 31-10.
“Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Khảo sát cho thấy không tới 10% người lao động được chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp. Thậm chí khi đi khám bệnh tổng quát định kỳ, người lao động chỉ được thăm khám bình quân… 45 giây. Bác sĩ chỉ hỏi qua loa nên không phát hiện nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp của người lao động” - TS Lân nói.
TS-BS Huỳnh Tân Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động môi trường (Sở Y tế TP.HCM), cho biết Việt Nam công nhận có tất cả 29 bệnh nghề nghiệp và được chia làm năm nhóm: Nhóm các bệnh bụi phổi và phế quản; nhóm các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp; nhóm các bệnh nghề nghiệp có yếu tố vật lý; nhóm các bệnh da nghề nghiệp và nhóm các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp.
Sức khỏe của người lao động ở TP.HCM loại trung bình và kém tăng 16% so với năm 2013. Ảnh: TRẦN NGỌC. Đồ họa: KD
Riêng tại TP.HCM, khảo sát tại các doanh nghiệp trong chín tháng đầu năm 2014 cho thấy các yếu tố tiếng ồn, nhiệt độ, bụi, thiếu sáng… có tỉ lệ vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép ở mức cao. Điều này khiến người lao động dễ mắc các bệnh nghề nghiệp như bụi phổi, điếc, rối loạn chuyển hóa cơ thể… và số ca mắc ngày càng nhiều. “Mặc dù bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người lao động nhưng ít doanh nghiệp quan tâm. Khảo sát còn cho thấy gần 67% doanh nghiệp có môi trường chứa yếu tố nguy cơ nhưng chỉ gần 25% tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động” - TS Tiến nói.
Do doanh nghiệp thiếu quan tâm đến bệnh nghề nghiệp của người lao động nên kết quả khảo sát sức khỏe công nhân của gần 110 doanh nghiệp ở TP.HCM cho thấy tỉ lệ người lao động có sức khỏe loại tốt và rất tốt giảm trong khi sức khỏe loại trung bình và kém tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2013. “Nếu các doanh nghiệp lơ là sức khỏe người lao động thì bệnh nghề nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới” - TS Tiến cảnh báo.
Há miệng mới thở được Gần đây tôi luôn cảm thấy khó thở, nhất là vào ban đêm. Nhiều lúc tôi phải chống tay, há miệng mới thở được. Thỉnh thoảng còn bị tức ngực, ho khan, khạc đờm trắng. Khám bệnh, bác sĩ kết luận tôi bị hen phế quản nội sinh do tiếp xúc lâu dài với hóa chất trong mực in. BS khuyên tôi nên thay đổi môi trường làm việc nếu không sẽ có nguy cơ bị hen phế quản kịch phát, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, suy tim, tử vong. Ông NVT (38 tuổi, ngụ TP.HCM), làm việc tại một công ty in Hiện vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động qua loa nên không phát hiện bệnh nghề nghiệp khiến người lao động chịu thiệt thòi. Cạnh đó, các cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lao động cũng cho có. BS TRƯƠNG THỊ XUÂN LIỄU, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM |