Bệnh nhân COVID-19 đang được thử nghiệm thuốc kháng virus ra sao?

Sáng 18-8, BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP.HCM) cho biết hiện đơn vị đang phối hợp với Bộ Y tế thử nghiệm thuốc kháng virus Molnupiravir giai đoạn 2 trên bệnh nhân.

Giai đoạn 2 có 160 đến 200 bệnh nhân có triệu chứng hô hấp từ nhẹ đến vừa như hắt hơi xổ mũi, mệt mỏi cho đến bắt đầu có triệu chứng viêm phổi, khó thở tham gia thử nghiệm. Việc lấy mẫu, thử nghiệm lâm sàng được thực hiện rất khắt khe.

“Việc lấy mẫu và thử nghiệm lâm sàng phải được thực hiện rất khắt khe vì đây là khâu quyết định thuốc có được đưa ra sử dụng ở cộng đồng hay không. Xác định tầm quan trọng của nghiên cứu này nên chúng tôi đã cử đội nghiên cứu cùng các công ty hỗ trợ nghiên cứu làm rất chặt chẽ. Hiện chúng tôi đang lấy mẫu ở các bệnh viện dã chiến, đặc biệt là bệnh viện dã chiến số 8, nơi Bệnh viện Thống Nhất tham gia khám và điều trị” - BS Thanh cho hay.

Bệnh viện dã chiến số 12 tiếp nhận bệnh nhân. Ảnh: NGUYỆT NHI

Sở dĩ thử nghiệm thuốc đối với bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và mức độ vừa, BS Thanh cho hay đây là đối tượng nhiễm COVID-19 nhiều nhất. Thuốc có cơ chế làm giảm tải lượng virus trong cơ thể, từ đó ngừa được các biến chứng chuyển nặng của bệnh nhân.

“Nếu khống chế được tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng và rất nặng ở tầng dưới thì tầng trên sẽ giảm quá tải và hạn chế số ca tử vong” - BS Thanh nói.

Theo BS Thanh, thuốc kháng virus có 2 loại gồm loại có hàm lượng 200 mg và loại 400 mg. Bệnh nhân đang thử nghiệm được cho uống 800 mg thuốc mỗi ngày, tương đương uống 2 lần 2 viên thuốc 400 mg. Bệnh nhân được lấy đủ các mẫu để xét nghiệm tải lượng virus sau khi uống thuốc từ 5 đến 14 ngày.

BS Thanh cho biết thêm thuốc kháng virus mới được đưa ra và trải qua giai đoạn thử nghiệm được đánh giá có hiệu quả và tính an toàn tương đối cao.

“Một số nước như Ấn Độ, Mỹ mặc dù đang nghiên cứu giai đoạn 3 nhưng đã đưa vào sử dụng cho bệnh nhân. Tại Việt Nam, trước tình hình dịch COVID-19 đang lan nhanh và nhiều bệnh nhân chuyển nặng, Bộ Y tế và những nhà khoa học đặt vấn đề cần sớm nghiên cứu thuốc này sử dụng trong cộng đồng để  giảm tỉ lệ chuyển nặng và hạ thấp tải lượng virus trong cơ thể người bệnh, hạn chế lây lan. Mặc dù các nước đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm 2, 3 nhưng để đảm bảo thuốc có phù hợp với thể trạng người Việt cần đánh giá giai đoạn 2 và 3” - BS Thanh phân tích.

BS Thanh cho biết giai đoạn 3 sẽ tiếp tục thử nghiệm với 360 đến 420 bệnh nhân. Dự kiến cuối tháng 8 sẽ có báo cáo kết quả hiệu quả thuốc đang sử dụng. 

Trước đó, Bộ  Y tế đã triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng, được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần.

Thuốc triển vọng được sử dụng trong chương trình là Molnupiravir - một trong những thuốc kháng virus giúp giảm nhanh nồng độ virus trong cơ thể người nhiễm. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir tại Mỹ, Ấn Độ đã cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa chỉ sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong.

Trước khi triển khai thí điểm tại cộng đồng, Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối phối hợp với các cơ sở khẩn trương triển khai thử nghiệm lâm sàng pha 1, 2, 3 trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ và vừa. Trên cơ sở kết quả của nghiên cứu tại cơ sở y tế, Bộ Y tế giao cho Đại học Y dược TP.HCM và Trường Đại học Y tế công cộng trực tiếp triển khai chương trình thí điểm tại cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm