Bệnh nhân ngoại thành TP.HCM không còn phải lặn lội xa xôi chạy thận

(PLO)- Bệnh viện huyện Bình Chánh thành lập Đơn vị thận nhân tạo, bệnh nhân vui mừng vì không còn lặn lội xa xôi lên trung tâm để chạy thận nhân tạo.

Chiều 18-10, Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP.HCM) tổ chức lễ ra mắt hoạt động Đơn vị thận nhân tạo trực thuộc khoa Nội tổng hợp của bệnh viện.

chay-than-nhan-tao-9.jpg
Sự kiện ra mắt Đơn vị thận nhân tạo đánh dấu bước tiến quan trọng trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là đối với bệnh nhân thận mãn tính có chỉ định chạy thận nhân tạo trên địa bàn huyện Bình Chánh và các vùng lân cận. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
chay-than-nhan-tao-1.jpg
Tương lai, Ban giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh đã có kế hoạch tiếp tục bổ sung nhân sự cho đơn vị chạy thận, cử đi đào tạo luân phiên nhằm mở rộng, tăng cường số lượt chạy thận, đáp ứng nhu cầu ngày càng đông người dân có chỉ định chạy thận nhân tạo. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
chay-than-nhan-tao-5.jpg
BS chuyên khoa 1 Phan Thành Danh, Trưởng đơn vị Thận nhân tạo Bệnh viện huyện Bình Chánh (đang thăm khám cho bệnh nhân), cho biết đơn vị được trang bị 6 máy lọc thận nhân tạo hiện đại, trong đó có 1 máy chuyên biệt dành cho bệnh nhân nhiễm. Hệ thống nước RO được thiết kế và vận hành theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
chay-than-nhan-tao-8.jpg
Theo bác sĩ Danh, ê-kíp nhân sự của đơn vị gồm 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng đã được đào tạo chuyên sâu về thận nhân tạo. Đơn vị thận nhân tạo hoạt động xuyên suốt từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, mỗi ngày sẽ có 2 lượt chạy thận, mỗi lượt 4 tiếng. Bệnh viện cũng được sự hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện: Nhân dân 115, Nguyễn Tri Phương, Phục Hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
chay-than-nhan-tao-3.jpg
Bác sĩ Phạm Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh, cho hay trước khi ra mắt, Đơn vị thận nhân tạo đã chính thức chạy thận các ca đầu tiên vào ngày 30-9. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 6 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, cần lọc máu chu kỳ 3 lần mỗi tuần. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
chay-than-nhan-tao-4.jpg
“Việc đưa vào hoạt động Đơn vị thận nhân tạo có ý nghĩa rất lớn, giúp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh thận mãn tính. Đặc biệt, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, người bệnh không còn phải đi xa để được điều trị” - bác sĩ Vũ thông tin. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
chay-than-nhan-tao-2.jpg
ThS bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Ngọc Cường (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh, chia sẻ nhiều năm qua, bệnh viện phải chuyển các bệnh nhân có chỉ định chạy thận lên tuyến trên. Rất nhiều bệnh nhân cư trú tại huyện Bình Chánh đang chạy thận ở các bệnh viện tuyến trên gặp khó khăn trong đi lại. Họ rất mong có nơi chạy thận nhân tạo gần nhà, giờ đây mong muốn đó đã trở thành hiện thực.
chay-than-nhan-tao-10.jpg
“Chúng tôi hy vọng với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ y bác sĩ kinh nghiệm, đơn vị chạy thận sẽ đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh, giúp họ có cuộc sống chất lượng hơn” - bác sĩ Cường bày tỏ.
chay-than-nhan-tao-7.jpg
Bệnh nhân Phan Công Bằng (58 tuổi, ngụ tỉnh Long An) phát hiện bệnh thận cách đây gần 5 năm. Khoảng 3 năm nay, khi có chỉ định chạy thận, ông từ Long An mỗi tuần 3 lần lên Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp để chạy thận định kì.
chạy thận nhân tạo - 1
“Bây giờ có chỗ chạy thận nhân tạo ngay tại Bình Chánh, rất gần với Long An, tôi thấy rất tiện, đỡ đi xa thì đỡ mệt. Cứ cách ngày tôi lại lên đây điều trị, rút ngắn thời gian và giảm bớt chi phí đi lại” - ông Bằng chia sẻ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm