Bệnh nhi NTVA (20 tháng tuổi, tỉnh Đồng Tháp) mắc tay-chân-miệng (TCM) đang điều trị tại bệnh viện (BV) tỉnh và được chuyển lên BV Nhi đồng 1 vào ngày 3-10 với chẩn đoán TCM độ III, nhóm III. Tại đây, bệnh nhi suy hô hấp, được đặt nội khí quản và chuyển khoa Hồi sức tích cực để thở máy.
Chuyển viện khi bệnh đã nặng
Bệnh nhi có tình trạng sốc, được dùng vận mạch và lọc máu hai ngày. Đến ngày 6-10, tình trạng bệnh nhi có cải thiện, được cai lọc máu. Hiện bệnh nhi đang thở máy và tiếp tục theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc.
Bệnh nhi TAK (21 tháng tuổi, tỉnh Tiền Giang) từng nhập viện điều trị tại BV ở tỉnh Bến Tre với chẩn đoán TCM độ IV, được điều trị tích cực, thở máy, truyền tĩnh mạch, sử dụng thuốc vận mạch. Sau đó, bác sĩ (BS) hội chẩn với BV Nhi đồng Thành phố và chuyển bệnh nhi đến vào ngày 4-10.
Tại BV Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi sốt cao liên tục 39-40 độ C, nhịp tim tăng cao, da tái, huyết áp thấp dù đang được sử dụng vận mạch liều cao nên chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc, cho thở máy, lọc máu.
Hiện mạch, huyết áp của bệnh nhi đã ổn định hơn, tuy nhiên tổn thương tim còn rất nặng. Bệnh nhi đang tiếp tục lọc máu, đợi đủ 48 tiếng BS sẽ đánh giá lại tình hình.
Tay-chân-miệng tăng trở lại
Tại BV Nhi đồng 1, khoa Hồi sức tích cực - chống độc mỗi ngày tiếp nhận trung bình 3-4 ca TCM nặng, thở máy. PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa, cho hay cách đây một tháng mỗi ngày trung bình chỉ có 1 ca.
“Khoa đang điều trị 12 ca TCM, trong đó có 7 ca thở máy, 1 ca vừa thở máy vừa lọc máu. Khoảng 10 ngày gần đây, ca TCM tại khoa có dấu hiệu tăng giống như đỉnh điểm dịch TCM hồi tháng 7, tháng 8 vừa rồi” - BS Quang nói.
Còn tại khoa Nhiễm - Thần kinh của BV mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70 ca TCM, từ độ IIA đến độ III. BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết từ đầu mùa dịch đến nay, bệnh TCM tại khoa chưa có dấu hiệu giảm. Tính đến ngày 6-10, khoa đang điều trị 156 ca TCM, trong đó độ II là 26 ca, độ IIB là 24 ca.
1.127 là số ca mắc TCM TP.HCM ghi nhận trong tuần 39 (từ ngày 25-9 đến 1-10-2023), tăng 14,4% so với trung bình bốn tuần trước.
(Báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - HCDC)
Còn tại BV Nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày khoa Nhiễm tiếp nhận 20-25 ca TCM, tăng 15%-20% so với tháng trước. ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Quyền Trưởng khoa Nhiễm, cho hay khoa đang điều trị 57 ca TCM, trong đó có 5 ca nặng độ IIB, nhóm I đang nằm phòng cấp cứu và được theo dõi giật mình, hạ sốt.
Theo BS Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (BV Nhi đồng Thành phố), tuy ca TCM không tăng so với những tuần trước nhưng ca nặng độ IV phải lọc máu tăng nhiều.
“Tháng 9 vừa qua, hầu như tuần nào khoa cũng lọc máu 2 ca, tăng gấp rưỡi so với tháng 8. Riêng tuần qua lọc máu 4-5 ca. Hiện khoa đang điều trị 7 ca TCM nặng thở máy đều từ tỉnh chuyển lên, trong đó có 4 ca nặng độ IV (2 ca lọc máu), 3 ca nặng độ III.
Hầu hết bệnh nhân ở tỉnh
BS Thy cho biết 100% ca TCM nặng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc là ở tỉnh chuyển lên, trong đó nhiều người ở Cần Thơ. BV ở Cần Thơ hiện vẫn có lọc máu nhưng cùng thời điểm có nhiều ca nặng nên bắt buộc phải chuyển tuyến. Thường BV tiếp nhận bệnh nhi TCM từ các BV tỉnh chuyển lên trong tình trạng nặng độ III, IV.
BS Qui (BV Nhi đồng 2) cho hay trong 57 ca khoa đang điều trị có 40 ca ở tỉnh. Các bệnh nhi ở tỉnh chuyển lên thường từ độ IIA, đa số tự xin chuyển viện. “Hiện BV Nhi đồng 2 vẫn đủ thuốc điều trị. Các BV tỉnh cần chú ý theo dõi đúng tình trạng bệnh và chuyển viện đúng chỉ định” - BS Qui chia sẻ.
Còn BS Quang (BV Nhi đồng 1) cho biết có đến 95% bệnh nhi tại khoa từ các tỉnh chuyển lên, đông nhất là từ miền Tây, hầu hết nặng ở độ III và IV. BS Quang lưu ý: “Các ca TCM nặng phải lọc máu, nếu có đầy đủ thuốc và được lọc máu thì nên ở tuyến dưới cơ hội sẽ cao hơn. Nếu chuyển tuyến trên với quãng đường xa, bệnh chuyển biến nhanh sẽ không an toàn, nguy cơ tử vong cao”.
BS Quy (BV Nhi đồng 1) cũng cho hay hiện 70% bệnh nhi điều trị tại khoa Nhiễm là từ các tỉnh chuyển đến. Có trường hợp cha mẹ hoang mang nên tự đưa con lên TP khám hoặc xin BV tỉnh chuyển viện.
Không nên tự ý lên tuyến trên
Người dân không nên tự di chuyển lên BV tuyến trên khám TCM, vì khi di chuyển sẽ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Nếu có thể điều trị ở BV tỉnh thì nên yên tâm điều trị. Khi nghi ngờ trẻ mắc TCM nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán, xử trí kịp thời.
Nhân viên y tế nên dặn dò, khuyến cáo người dân phát hiện sớm dấu hiệu của TCM, tái khám đúng lịch. Tuyến tỉnh nên hỗ trợ tuyến trung ương để cùng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân TCM tại địa phương. BV tuyến trên luôn sẵn sàng 24/24 giờ hỗ trợ hội chẩn cùng BV tuyến dưới.
BS DƯ TUẤN QUY, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1