Ngày 20-11, bé Trần Công Khởi (năm tháng tuổi, ngụ thôn 9, Kiến Thành, Đắk Lấp, Đắk Nông) vẫn còn nằm ở phòng cấp cứu, khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM.
Chị Lê Thị Mỹ Hồng, mẹ bé Khởi, cho biết: “Bé bị nóng sốt, tay chân lạnh, tiêu chảy trên chục lần trong hai ngày liền. Gia đình đã đưa bé đến một phòng khám tư, bác sĩ không nói gì và chỉ cho uống thuốc hạ sốt. Sau uống thuốc, bé có hạ sốt nhưng cứ hết thuốc là sốt lại, mê man nên sang ngày thứ ba, gia đình vội đưa bé xuống BV Nhi đồng 1”.
Bé Khởi đang nằm ở phòng cấp cứu. Ảnh: H.LAN
Cùng điều trị nhiễm sốt rét với bé Khởi là bé Hỏa Trường Giang (ba tuổi, ngụ Đắk Ngô, Tuy Đức, Đắk Nông). Anh Hỏa Tiến Bắc, cha bé Giang, kể triệu chứng của bé khi sốt: “Trán bé rất nóng nhưng hai môi lại run, đánh bạch bạch, người lơ mơ, mệt mỏi. Mới đầu chúng tôi cũng chỉ nghĩ bé sốt do cảm cúm như mấy lần trước thôi”.
Theo anh Bắc, bé Giang sốt hai ngày liền không dứt nên gia đình đưa đến trạm y tế xã. Tại đây, bé được cho uống thuốc hạ sốt nhưng không lâu sau lại sốt tiếp nên vợ chồng anh đưa bé ra huyện khám phòng khám tư. Tuy nhiên, bé vẫn không dứt hẳn sốt nên gia đình mới khăn gói đưa bé xuống TP.
Bé Trường Giang đã tươi tỉnh, hoạt bát trở lại. Ảnh: H.LAN
Theo anh Bắc, nơi anh sinh sống đang vào mùa mưa nên cũng có nhiều muỗi. “Bệnh sốt rét thì nghe nhiều rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến trường hợp đầu tiên, lại là con mình chứ xưa nay trong xóm chưa ai mắc cả" - anh Bắc nói. Hiện tình trạng của bé Giang đã ổn định, bé đã tươi tỉnh, hoạt bát trở lại.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết rất lâu rồi mới có bệnh nhi nhập viện vì sốt rét. Căn bệnh này nhiều năm nay ít xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt trên trẻ em. Sốt rét là bệnh truyền nhiễm do muỗi Anophen lây truyền, thỉnh thoảng xuất hiện ở người lớn Việt Nam và hiếm khi có trẻ nhỏ mắc. Theo BS Khanh, khi được đưa vào bệnh viện, hai bé đều trong tình trạng sốt cao, thiếu máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy hai bé đều có chỉ số ký sinh trùng sốt rét rất nặng.
“Lâu rồi mới có trẻ nhập viện vì sốt rét nên địa phương phải rất cẩn trọng vì có thể dịch sốt rét trở lại” - BS Khanh khuyến cáo. Cũng theo BS Khanh, bệnh sốt rét nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiếu máu nặng, suy hô hấp, gan to, lách to, tổn thương đa cơ quan và nhanh chóng tử vong trong 72 giờ. Thông thường trẻ mắc sốt rét chỉ có biểu hiện chủ yếu là sốt nên bác sĩ thiếu kinh nghiệm có thể dễ chẩn đoán nhầm và không chỉ định xét nghiệm tìm ký sinh trùng.
"Để tránh sốt rét, người dân nên ngủ mùng, giữ vệ sinh môi trường, diệt muỗi, cẩn trọng khi đi đến các vùng có dịch sốt rét lưu hành. Sốt rét có biểu hiện là các cơn sốt cao liên miên, rét run toàn thân, môi tái, mắt quầng, nổi da gà. Khi trở nặng, bệnh nhân có thể rối loạn ý thức, li bì hoặc vật vã, cuồng sảng, nói lảm nhảm, sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều... Khi bị sốt với các dấu hiệu trên, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm, điều trị đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ” - BS Khanh lưu ý thêm.