'Bệnh viện' cứu hộ động vật hoang dã giữa rừng

(PLO)- Trạm cứu hộ động vật hoang dã ở Đắk Lắk đã cứu chữa hàng trăm cá thể thú rừng bị dính bẫy, bị thương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Video: ‘Bệnh viện’ cứu hộ động vật hoang dã giữa rừng

Ngày 22-6, ông Mai Đức Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk), cho biết trạm cứu hộ của đơn vị đang cứu hộ, chăm sóc 70 cá thể động vật hoang dã.

Bác sĩ của thú rừng

Trạm cứu hộ động vật hoang dã thuộc Trung tâm Bảo tồn voi, đặt trong một cánh rừng ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Trạm đang chữa trị, chăm sóc các loài thú rừng quý hiếm như tê tê, kỳ đà vân, cầy mực, cầy vòi hương, khỉ mốc, khỉ đuôi lợn, chồn bạc má…

cứu hộ động vật hoang dã 6.jpg
Một cá thể rùa đang được cán bộ chăm sóc. Ảnh: T.T

Theo ông Lê Văn Hồng, cán bộ phụ trách trạm cứu hộ động vật hoang dã, những loài vật trên là thú rừng được giải cứu sau khi bị đánh bẫy hoặc buôn bán trái phép. Đa phần thú rừng khi được đưa về trạm đều bị thương nặng vì dính bẫy hoặc bị săn bắt, nuôi nhốt lâu ngày.

“Có nhiều cá thể động vật bị thương rất nặng vì dính bẫy, bị hoại tử, phải cắt bỏ chân. Có cá thể động vật bị vết thương nặng, phải phẫu thuật nhiều lần mới lành”- ông Hồng vừa nói vừa chỉ vào một con kỳ đà vân bị cụt hai chân trong lồng sắt.

Cũng theo ông Hồng, do trạm còn thiếu máy móc, thiết bị nên việc khám chữa bệnh, điều trị cho thú rừng gặp nhiều khó khăn.

cứu hộ động vật hoang dã 2.jpg
Cán bộ trạm chăm sóc một chú khỉ sau khi được giải cứu. Ảnh: T.T

Nhiều lần, ông Hồng phải đưa thú rừng đến các bệnh viện thú y ở TP Buôn Ma Thuột để xét nghiệm, chẩn đoán bệnh rồi đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Nhiều động vật hoang dã khi bị dính bẫy, bị thương đều rất sợ người nên hung dữ. Vì vậy, các nhân viên phải khéo léo để khống chế, trường hợp động vật khỏe thì phải gây mê để phẫu thuật, chữa trị.

Theo ông Hồng, trạm cứu hộ động vật hoang dã được thành lập hồi tháng 4-2021. Từ đó đến nay, trạm tiếp nhận, điều trị cho hàng trăm cá thể thú rừng bị dính bẫy, bị săn bắn…

cứu hộ động vật hoang dã 4.jpg
Một mèo rừng được giải cứu nghỉ ngơi trong hốc cây. Ảnh: T.T

Các chuồng trại chăm sóc động vật hoang dã được thiết kế khá đơn sơ. Ngoài những khung sắt, lưới B40, nhân viên đưa cành cây, nối dây, nhiều vật dụng tự nhiên vào bên trong để các loài thú leo trèo, nhảy nhót cho đỡ “nhớ rừng”.

Coi thú rừng như thú cưng

Theo ông Hồng, hiện trạm cứu hộ động vật hoang dã chỉ có hai nhân viên và một công nhân. Vì vậy, các nhân viên thay nhau túc trực, chăm sóc, cho thú ăn, vệ sinh chuồng trại, canh giữ, đề phòng kẻ trộm.

Ông Hồng kể hơn hai năm gắn bó với động vật hoang dã, ông nhiều lần rớt nước mắt khi chứng kiến các cá thể thú rừng bị thương nặng vì dính bẫy. Sau quá trình điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng thú rừng, ông coi thú rừng như thú cưng.

cứu hộ động vật hoang dã.jpg
Cá thể trăn bạch tạng được người dân giao nộp. Ảnh: T.T

“Có cá thể thú đưa về đây đã bị kiệt sức, có cá thể bị thương nặng. Mỗi lần thấy thú rừng được điều trị và khỏe lại, anh em vui lắm! Anh em nhiều lần vào rừng tìm thức ăn cho thú để giúp chúng mau hồi phục, sớm trả về tự nhiên”- ông Hồng chia sẻ.

Gắn bó với việc cứu hộ thú rừng hơn sáu tháng qua, anh Mai Thanh Nhân, nhân viên cứu hộ của trạm, cho biết khi mới vào nghề, anh bị thú rừng cào, cắn, gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị vết thương.

cứu hộ động vật hoang dã 1.jpg
Một cá thể kỳ đà bị đứt hai chân trước do dính bẫy. Ảnh: T.T

Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp xúc, anh nắm bắt được đặc tính từng loài thú để có cách tiếp cận phù hợp, đúng thời điểm. Anh Nhân cũng như các nhân viên tại đây phải sắm thêm găng tay dài, dày để hạn chế việc bị thú rừng cắn, cào cấu.

Nhiều loài thú khi mới được cứu hộ không chịu ăn thức ăn có sẵn. Vì vậy, anh Nhân phải lặn lội vào rừng, tìm kiếm lá cây, quả rừng về chăm sóc thú.

Gia đình anh Nhân ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, cách nơi anh làm việc hơn 70 km. Mỗi tuần, anh Nhân chỉ về thăm nhà một lần. Thời gian còn lại, anh Nhân dành hết cho việc chăm sóc thú rừng.

cứu hộ động vật hoang dã 3.jpg
Hai cá thể khỉ dần khỏe mạnh sau khi được giải cứu. Ảnh: T.T

Theo anh Nhân, ngoài việc cứu hộ, chăm sóc thú rừng, các nhân viên của trạm thường xuyên phối hợp, tuyên truyền để người dân không săn bắt, mua bán thú rừng.

Nhờ khéo tuyên truyền, gần đây, nhiều người dân đã tự nguyện đến trạm cứu hộ động vật giao nộp các cá thể như mèo rừng, gà rừng, trăn gấm, rùa…

Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã có kế hoạch đề nghị cấp khoảng 40 ha đất để làm khu cứu hộ động vật hoang dã.

Theo cán bộ Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, việc mở rộng khu cứu hộ động vật hoang dã sẽ tạo điều kiện để đơn vị thiết kế chuồng trại theo mô hình bán tự nhiên, tạo sinh cảnh phù hợp, giúp thú rừng nhanh hồi phục về cả sức khỏe lẫn bản năng sinh tồn trước khi trả về tự nhiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm