Bệnh viện FV kiện bệnh nhân: Tòa tạm dừng để làm rõ bệnh án

Ngày 12-5, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ đòi bồi thường thiệt hại giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (BV FV có chi nhánh tại quận 7, TP.HCM) và bị đơn là bà NTMC (ngụ quận 7, TP.HCM).

Bị đơn tại tòa ngày 12-5. Ảnh: MV

Tại phiên tòa, cả nguyên đơn và bị đơn đều giữ nguyên kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của TAND quận 7. Trả lời HĐXX nguyên đơn nói lý do không rút kháng cáo vì cho rằng thiệt hại mà bị đơn gây ra là quá lớn. Đến nay những bài viết ghi nhận thông tin sự việc vẫn còn tồn tại trên báo giấy và báo điện tử.

Cụ thể, đại diện nguyên đơn nêu rõ bài viết mà bị đơn viết trên trang Facebook đã thu hút 3.000 lượt chia sẻ, 4.500 lượt thích và 101 lời bình luận gây ảnh hưởng đến uy tín của phía bệnh viện. Cũng chính vụ việc này đã thu hút truyền thông và các nhà báo đã tạo ra gần 300 bài viết trên báo mạng và báo giấy.

Phía bị đơn thì trình bày lý do kháng cáo là do tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của bệnh viện là không có cơ sở, không phù hợp với pháp luật. Phía bị đơn cũng cho rằng tài liệu mà nguyên đơn cung cấp là tài liệu bản phôtô.

HĐXX đã dành thời gian cho nguyên đơn và bị đơn đối chất làm rõ tình tiết của vụ án. HĐXX cũng hỏi BV FV về việc có xin phép bệnh nhân khi công khai bệnh án?

Đại diện bệnh viện trả lời Bộ Y tế đã có yêu cầu nên bệnh viện chưa xin phép bệnh nhân. Đối với tính hợp pháp của hội đồng chuyên môn chẩn đoán bệnh cho bị đơn, HĐXX đã hội ý và quyết định tạm dừng phiên tòa để xem xét.

Sơ thẩm: Bị đơn phải xin lỗi và bồi thường 13,9 triệu 

Ngày 21-10-2019, TAND quận 7 xử sơ thẩm vụ kiện tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn buộc bà C. xóa bỏ toàn bộ bài viết trên Facebook, xin lỗi công khai bằng cách gửi thư xin lỗi trên ba tờ báo và bồi thường tổn thất tinh thần 13,9 triệu đồng cho BV FV.

Tháng 6-2018, bà C. đến khám tại BV FV, các bác sĩ tại đây nói bà không có thai nhưng có “dịch ứ” trong lòng tử cung. Điều trị, bác sĩ đã kê toa 10 viên Misoprotol 200 mcg với liều lượng dùng hai viên/lần trong hai ngày và giải thích là nhằm đẩy “dịch ứ” ra ngoài. Sau đó, bà C. tìm hiểu thì biết đây là thuốc có tác dụng phá thai. Sau đó, bà C. xuất hiện tình trạng đi vệ sinh ra máu và ra huyết ba lần. Quá trình khám lại, kết quả thử nước tiểu cho thấy bà C. mang thai.

Trên Facebook cá nhân, bà C. đã có bài tố bác sĩ FV chẩn đoán sai, cho thuốc phá thai và những thông tin về việc hành xử thiếu tôn trọng của bệnh viện đối với bà. Sau đó, bệnh viện kết luận bệnh nhân C. đã bị hư thai gây ra chảy máu. Kết quả siêu âm xác nhận không thấy thai, điều trị ngưng chảy máu bằng cách tháo lưu máu trong tử cung. Thực tế, kết quả xét nghiệm thử thai bằng nước tiểu ban đầu dương tính cũng sẽ không thay đổi cách điều trị.

Việc hư thai có thể là do đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trước đó. Đối với BV FV, việc thăm khám và chữa trị cho bệnh nhân được thực hiện theo quy trình của bệnh viện và dựa trên các chứng thực của y khoa. Theo bệnh viện, các bác sĩ FV đã làm những gì tốt nhất cho sức khỏe của bệnh nhân trong trường hợp này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm