Vừa qua, BV Truyền máu huyết học TP.HCM vừa công bố ngân hàng máu của BV đạt chuẩn GMP Châu Âu (cơ sở thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu). Sự kiện mở ra cơ hội cho Việt Nam trao đổi, hợp tác sản xuất các chế phẩm đặc trị điều chế từ huyết tương.
Trước thông tin này, nhiều người dân bày tỏ băn khoăn các ngân hàng máu trên cả nước thường xuyên vận động người đi hiến máu thì tại sao có huyết tương dư để xuất khẩu.
Trước những băn khoăn của người dân, chiều 9-4, BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu huyết học TP.HCM đã có phản hồi chi tiết về quy trình xử lý huyết tương, một thành phần của máu toàn phần. Cùng với đó là ý nghĩa của việc ngân hàng máu của bệnh viện đạt chứng nhận GMP châu Âu sẽ mở ra cơ hội trao đổi các chế phẩm đặc trị điều chế từ huyết tương trong tương lai mà dư luận đang hiểu là “xuất khẩu huyết tương”.
. Phóng viên: Huyết tương là thành phần nào của máu, thưa ông?
+ BS Phù Chí Dũng: Thông thường, máu toàn phần sau khi được thu nhận từ người hiến sẽ được bảo quản và vận chuyển nghiêm ngặt đến ngân hàng máu. Sau đó, ngân hàng máu sẽ dùng các thiết bị hiện đại để ly tâm, chiết tách ra các thành phần gồm: hồng cầu lắng, tiểu cầu, huyết tương tươi.
Trong đó, hồng cầu lắng truyền cho người bệnh thiếu máu. Tiểu cầu truyền cho người bệnh bị xuất huyết. Huyết tương tươi được điều chế ra thành chế phẩm kết tủa lạnh (chứa yếu tố VIII) và huyết tương đông lạnh (chứa yếu tố IX) truyền cho người bệnh bị rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố này.
Bác sĩ Phù Chí Dũng. Ảnh: HL
. Tại sao Việt Nam phải hợp tác, trao đổi sản xuất huyết tương với nước khác?Việc điều chế huyết tương ở Việt Nam còn hạn chế ra sao?
Từ huyết tương, các nước phát triển có nhà máy sản xuất ra được yếu tố VIII, yếu tố IX, albumin và gama globulin, trong đó albumin và gamma globulin có tính ứng dụng cao khi điều trị các bệnh lý miễn dịch, suy gan, xơ gan, suy dinh dưỡng...
Hiện Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất huyết tương nên phải nhập khẩu các chế phẩm này để điều trị cho người bệnh khi truyền các chế phẩm huyết tương đông lạnh và chế phẩm kết tủa lạnh không đáp ứng. Tuy nhiên, giá của các chế phẩm nhập khẩu này rất đắt tiền và đây cũng là gánh nặng cho quỹ Bảo hiểm xã hội và người bệnh đồng chi trả.
Khi truyền yếu tố VIII và yếu tố IX thì bệnh nhân có thể truyền tại nhà còn việc truyền chế phẩm chứa hai yếu tố này phải thực hiện tại bệnh viện và dễ gây biến chứng hơn do mỗi lần truyền thể tích lớn hơn.
Ngân hàng máu đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn GMP châu Âu tại bệnh viện. Ảnh: HL
. Việc ngân hàng máu đạt chuẩn GMP châu Âu có ý nghĩa như thế nào cho việc điều chế huyết tương?
GMP châu Âu được định nghĩa là cơ sở thực hành sản xuất tốt, theo tiêu chuẩn của châu Âu. Hiện tại GMP có nhiều loại như GMP của từng nước sở tại do các Bộ y tế quy định hoặc GMP của Tổ chức y tế thế giới WHO. Hiện tại, BV Truyền máu chọn GMP châu Âu là tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất hiện nay.
Việc tuân thủ GMP sẽ đảm bảo chế phẩm máu đạt chất lượng, an toàn về miễn dịch và các bệnh lây truyền qua đường truyền máu (HIV, viêm gan B, C, giang mai...) an toàn cho người bệnh, bên cạnh đó là an toàn cho nhân viên y tế và cho người hiến máu.
Hiện tại, Việt Nam đang sử dụng các yếu tố đông máu VIII, IX và albumin, gamma globulin từ huyết tương dư của các nước phát triển. Việc ngân hàng máu đạt chuẩn GMP châu Âu sẽ là cơ hội cho Việt Nam gửi huyết tương ra nước ngoài “nhờ” đối tác có nhà máy sản xuất huyết tương, sản xuất ra các yếu tố đông máu và nhập trở lại sản phẩm này để sử dụng. Nhờ điều chế từ nguồn nguyên liệu có sẵn nên chắc chắn giá thành của sản phẩm nhập này sẽ rẻ hơn nhiều lần các sản phẩm nhập lấy nguồn huyết tương từ nước khác.
Ngoài ra, chế phẩm điều chế từ huyết tương thông thường thì nước nào sử dụng cho nước đó, không “dám” sử dụng của nước khác. Do đó, Việt Nam dù muốn xuất khẩu huyết tương cũng khó khả thi mà chỉ có con đường gửi ra nước ngoài sản xuất và nhập lại chính chế phẩm điều chế từ huyết tương này.
. Khi Việt Nam gửi huyết tương ra nước ngoài sản xuất thì giá thành các chế phẩm sẽ được tính ra sao?
Việc chọn đối tác nước ngoài để sản xuất huyết tương và giá của các chế phẩm máu, không phải bệnh viện nào muốn cho giá bao nhiêu là cho mà đều do các cơ quan bộ ngành quy định. Hiện tại, dù ngân hàng máu của bệnh viện đạt chuẩn GMP châu Âu nhưng giá các chế phẩm của máu vẫn theo giá quy định chung và bệnh viện đang phải bù lỗ chi phí gián tiếp cho từng túi máu. Do đó, bệnh viện phải cố gắng điều chế cho hết chế phẩm từ huyết tương phục vụ người bệnh chứ không có dư huyết tương. Ngoài ra, Bộ Y tế đã thông qua quy định cho người dân hiến huyết tương thay vì chỉ hiến máu toàn phần và tiểu cầu như hiện nay. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất huyết tương nên việc này vẫn chưa được thực hiện. Nếu Việt Nam tìm được đối tác sản xuất huyết tương và tương lai xây dựng được nhà máy sản xuất tại Việt Nam thì việc mở rộng kêu gọi người dân hiến huyết tương sẽ rộng rãi hơn, giúp chủ động được nguồn thuốc hơn.
Theo thống kê, Việt Nam hiện quản lý hơn 3.000 bệnh nhân mắc bệnh rối loạn đông máu (hemophilia), còn lại khoảng 2.800 bệnh nhân mắc bệnh này mà chưa phát hiện. Bệnh nhân mắc bệnh này phải truyền các yếu tố đông máu cả đời. Hằng năm, quỹ Bảo hiểm y tế chi trả rất lớn cho người bệnh hemophilia. Riêng trong năm 2018, một bệnh nhân (sinh năm 1984, ngụ Vĩnh Long) điều trị căn bệnh hemophilia A do thiếu yếu tố VIII đã được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 4,7 tỉ đồng và được ghi nhận là bệnh nhân được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cao nhất năm 2018. Trước đó, bệnh nhân này đã được chi trả vài chục tỷ đồng khi điều trị bệnh nhiều năm. |