Bệnh viện TP.HCM mong có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm

(PLO)- Các bệnh viện ở TP.HCM cho rằng việc thành lập các trung tâm chuyên dự trữ thuốc hiếm là rất cần thiết để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TS-BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11, TP.HCM, cho biết trong điều trị các bệnh liên quan hồi sức, BV đang sử dụng các loại thuốc hiếm như Adenosine Atropin (xử trí nhịp nhanh); Milrinone và Vasopressin (xử trí sốc tụt huyết áp có bệnh nền suy tim cần hỗ trợ thuốc, tăng huyết áp nhưng không tăng kháng lực ngoại biên và hỗ trợ tăng sức bóp); thuốc kháng sinh Piperacillin - Tazobactam…

Thiếu nhiều loại thuốc hiếm

Cũng theo BS Dũng, một số thời điểm BV quận 11 từng bị thiếu hụt thuốc hiếm Sulfetanil, số bệnh nhân phải đặt nội khí quản, thở máy tăng. Cạnh đó, một số thuốc hiếm khác như Milrinon, Adenosine, Atropine (dạng tiêm) cũng thiếu do doanh nghiệp (DN) không có thuốc cung ứng. Việc xin giấy phép nhập khẩu các thuốc hiếm cũng phần nào hạn chế số lượng DN cung ứng các loại thuốc này.

Một bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nặng được BV Chợ Rẫy điều trị bằng thuốc hiếm. Ảnh: BV Chợ Rẫy

Một bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nặng được BV Chợ Rẫy điều trị bằng thuốc hiếm.
Ảnh: BV Chợ Rẫy

“Những lúc đó BV dùng các thuốc khác thay thế nếu được hoặc liên hệ với các BV tuyến trên để mượn, hoặc chuyển bệnh nhân tới BV tuyến trên. Ngoài ra, BV còn sử dụng các thiết bị không xâm lấn hoặc xâm lấn trên bệnh nhân hồi sức để hỗ trợ và làm tăng hiệu quả điều trị” - BS Dũng chia sẻ.

Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, BV này sử dụng nhiều loại thuốc hiếm như L-Asparaginase (Spectrila), Dacarbazin, Dactinomycin (Cosmegen), Vinblastin, Xanh methylene dạng tiêm, ICG, 18-FDG... trong điều trị ung thư.

Mới đây, sau khi khảo sát một số BV tuyến cuối trên địa bàn Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế nghiên cứu, thành lập các trung tâm chuyên dự trữ thuốc hiếm. Các trung tâm này sẽ được đặt tại sáu vùng kinh tế - xã hội trên cả nước và giao một BV hàng đầu tại đó quản lý, điều phối.

“BV có thiếu Vinblastin do thuốc không có trên thị trường Việt Nam. Khi thiếu thuốc này, BV phải chuyển phác đồ điều trị thay thế. Trong trường hợp thiếu thuốc 18-FDG, BV xin nhượng thuốc từ BV Chợ Rẫy nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị. Còn khi thiếu thuốc Xanh methylen và ICG, BV sử dụng một thuốc hiếm khác là Human albumin Serum (Senti scint) để thay thế” - TS-BS Tuấn nói.

TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, TP.HCM, cho biết khoa Dược của BV có trách nhiệm mua sắm thuốc cung cấp đủ cho khoa lâm sàng. “Các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm của Bộ Y tế phục vụ hồi sức cấp cứu thông thường cung ứng đủ. Tình trạng thiếu thuốc hiếm cục bộ đôi khi xảy ra nhưng sau đó được giải quyết ngay hoặc sử dụng thuốc cùng nhóm thay thế” - TS-BS Hải cho biết thêm.

Cần có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia

Theo BS Tuấn, việc thành lập trung tâm chuyên lưu trữ các thuốc hiếm dùng trong cấp cứu, chống độc để kịp thời điều trị bệnh nhân là cần thiết. BS Dũng cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng trung tâm phải là đầu mối lưu trữ thuốc hiếm dựa trên khảo sát nhu cầu sử dụng thuốc của các BV. Khi có nhu cầu các BV có thể liên hệ nơi đây nhanh chóng và thuận tiện nhất.

“DN dược cung ứng thuốc hiếm cho trung tâm có thể ổn định và đầy đủ hơn so với cung ứng thuốc cho từng BV riêng lẻ. Từ đó, bảo đảm nguồn cung ổn định phục vụ nhu cầu điều trị của bệnh nhân và đáp ứng được khi nhu cầu tăng đột biến” - TS-BS Dũng chia sẻ.

Còn TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho hay trong quá trình điều trị bệnh nhân bị ngộ độc do cá chép ủ chua ở Quảng Nam vừa qua, nếu BV Chợ Rẫy không có sẵn thuốc giải độc tố botulinum thì phải đấu thấu mua sắm, tốn nhiều thời gian.

“Giá thành các thuốc hiếm rất cao nhưng lại ít khi dùng tới. Trường hợp BV mua nhưng không sử dụng trong thời gian dài, thuốc sẽ hết hạn sử dụng gây lãng phí, do đó cần có quy định về việc dự trữ thuốc hiếm. Mặt khác, hiện Việt Nam chưa có nơi dự trữ thuốc hiếm tầm quốc gia nên rất cần thành lập trung tâm dự trữ thuốc hiếm do Bộ Y tế quản lý để kịp thời điều phối cho các BV khi cần thiết” - ông Thức đề xuất.

Tương tự, TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, TP.HCM, cũng cho rằng thành lập trung tâm chuyên dự trữ thuốc hiếm được thực hiện càng sớm càng tốt bởi các loại thuốc trên thật sự rất cần thiết trong điều trị.

Liên quan đến vụ ngộ độc botulinum do ăn cá chép ủ chua ở Quảng Nam gần đây, BV Chợ Rẫy đã gấp rút mang số thuốc quý hiếm (thuốc BAT- Botulism Antitoxin Heptavalent) ra miền Trung kịp thời tiêm khẩn cấp cho ba bệnh nhân nặng nhất, nhờ vậy họ được giải độc, qua cơn nguy kịch.

BAT là thuốc rất hiếm, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, rất khó mua do trên thế giới chỉ có duy nhất một công ty tại Canada sản xuất. Giá mỗi lọ thuốc khoảng 190 triệu đồng.

Trước năm 2020 Việt Nam không có thuốc giải botulinum. Khi xảy ra vụ ngộ độc pate Minh Chay khiến nhiều người nguy kịch, ngành y tế đã phải nhập thuốc giải từ nước ngoài. Đến ngày 17-1-2021, lô thuốc BAT đầu tiên gồm sáu lọ được BV Chợ Rẫy nhập về từ Canada trong tổng số 30 lọ được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm