Vụ ngộ độc cá muối ủ chua: Ai sẽ trả tiền các lọ thuốc hiếm 8.000 USD?

(PLO)- Thuốc giải độc dùng cho 3 người ngộ độc botulinum từ món cá muối ủ chua ở Quảng Nam rất hiếm, hiện thế giới chỉ có một hãng dược ở Canada sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-3, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết 3 lọ thuốc giải độc BAT được truyền cho 3 bệnh nhân tại Quảng Nam ngộ độc botulinum do ăn cá chép muối ủ chua sẽ hoàn toàn miễn phí.

“Khi cử phái đoàn ra hỗ trợ cứu người, việc đem thuốc theo là sự nhạy bén trong chẩn đoán. Sáng nay các BS tại Quảng Nam báo cáo kết quả ba bệnh nhân nặng nhất đã thuyên giảm, hiện sức khỏe tiến triển tốt. Tôi rất vui và gần như BV không nghĩ gì đến tiền thuốc.

Bác sĩ BV Chợ Rẫy đem thuốc giải độc BAT ra Quảng Nam cứu người. Ảnh: BVCC

Bác sĩ BV Chợ Rẫy đem thuốc giải độc BAT ra Quảng Nam cứu người. Ảnh: BVCC

Tôi rất mừng vì đã cứu được ba bệnh nhân nặng nhất. Với quan điểm ở đâu cũng là dân mình, BV sẽ miễn phí hoàn toàn tiền thuốc này cho bệnh nhân” - BS Thức nhấn mạnh.

Theo BS, những người ngộ độc đều là người đồng bào dân tộc ít người, hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng chi trả tiền thuốc.

“Hai bệnh nhân xem xét chỉ định dùng thuốc hiện sức khỏe tiến triển tốt, không cần dùng đến thuốc. Vì thế hai lọ thuốc còn lại BV sẽ đem về kho dự trữ để dự phòng cho các trường hợp khác” - BS Thức chia sẻ và nói thêm cả nước chỉ còn hai lọ thuốc giải độc này.

Cũng theo BS Thức, BV Chợ Rẫy vẫn đang đề xuất thành lập một quỹ thuốc hiếm mang tính chất dự trữ quốc gia, được Bộ Y tế quản lý để có thể điều phối trong cả nước. Theo ông, nên có quy định về lưu trữ thuốc hiếm, vì nếu BV mua để lưu trữ, không cần dùng đến, lâu dài sẽ hết hạn phải tiêu hủy và BV bị quy vào tội lãng phí.

TS-BS Lê Quốc Hùng, trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, trưởng đơn vị Hồi sức chống độc (BV Chợ Rẫy), cũng cho biết chất độc botulinum không quá phổ biến nên các hãng sản xuất thuốc giải độc không nhiều. Hiện thế giới chỉ có một hãng dược ở Canada sản xuất thuốc BAT, mức giá dao động 8.000 đến 8.500 USD/lọ và tùy thuộc vào giai đoạn mà nhà cung cấp chuyển giao.

Theo BS Hùng, ngoài giá thành của thuốc rất cao, chi phí cho quá trình vận chuyển, bảo quản cũng tốn kém. Thuốc giải độc BAT cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm sâu 30-720C.

“Chính vì giá thành cao, số lượng thuốc còn lại trong kho dự trữ của BV không nhiều nên việc chỉ định dùng thuốc hiếm cũng là vấn đề khiến các BS băn khoăn.

Khi chúng tôi đến BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và báo cáo tình hình các bệnh nhân nặng, Giám đốc BV là TS-BS Nguyễn Tri Thức đã đề nghị tập trung cứu người, chi phí tính sau. Nhờ có chỉ đạo này, chúng tôi cũng có tâm lý nhẹ nhàng để tập trung điều trị cho các bệnh nhân” - BS Hùng chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm