Ngày 7-11, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án đối với Bùi Văn Tấn (SN 1993) về tội cố ý gây thương tích.
Đáng chú ý vụ án này, HĐXX đã bác kháng cáo kêu oan của bị cáo, kháng nghị của VKS về lọt người, lọt tội. Tòa phúc thẩm vận dụng các chính sách pháp luật có lợi cho bị cáo và chấp nhận việc rút yêu cầu khởi tố của phía bị hại hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án. Điều này đồng nghĩa bị cáo không phạm tội và không phải chịu trách nhiệm hình sự gì đối với hành vi trước đó bị đưa ra xét xử sơ thẩm.
Bị cáo Tấn vui mừng sau phán quyết của tòa phúc thẩm.
Tuy nhiên, HĐXX nhấn mạnh việc đình chỉ này là do chính sách mới, nhân đạo của Nhà nước, do tình hình khách quan mới nên bị cáo không có quyền yêu cầu đòi bồi thường vì cấp sơ thẩm không có lỗi.
Theo hồ sơ, tối 4-10-2013, tại ấp Trung Đông 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, gia đình bị cáo Tấn và gia đình người bị hại Nguyễn Văn Tấn có lời qua tiếng lại dẫn đến đánh nhau. Khi người bị hại xông vào nhà, bị cáo Tấn đã cầm cây gỗ dùng để đập đá đánh vào người nhưng anh này đỡ được, chỉ bị trúng tay. Sau đó, bị cáo tiếp tục dùng cây gỗ đánh vào nhiều vị trí khác gây thương tích 10% và cố tật nhẹ cho nạn nhân.
Sau đó, nạn nhân có đơn đề nghị khởi tố vụ án và xử lý đối với Tấn. Vụ án này thuộc trường hợp khởi tố, truy tố, xét xử theo yêu cầu của phía bị hại. Xử sơ thẩm, TAND huyện Hóc Môn áp dụng khoản 1 Điều 104 tuyên phạt bị cáo Tấn chín tháng tù.
Bị cáo kháng cáo kêu oan, cho rằng án sơ thẩm vi phạm tố tụng gây oan sai, bỏ lọt tội phạm. Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, phía bị cáo đã bồi thường cho nạn nhân 40 triệu đồng. Nạn nhân có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án và xử lý đối với bị cáo. Còn VKS cho rằng cấp sơ thẩm còn bỏ lọt người, lọt tội đối với những người tham gia đánh nhau...
HĐXX cho rằng bị cáo kháng cáo kêu oan là không có cơ sở. Còn vấn đề VKS nêu ra cấp sơ thẩm trước khi xét xử đã trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần nhưng không làm rõ nên việc hủy án, điều tra lại cũng không có cơ sở... Nhưng chấp nhận việc rút đơn yêu cầu khởi tố của nạn nhân.
Khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Quy định này không giới hạn thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố của kể cả tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Đây là điểm mới của BLTTHS năm 2015 về rút đơn yêu cầu khởi tố theo yêu cầu người bị hại, bởi lẽ khoản 2 Điều 105 BLTTHS trước chỉ cho phép bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm.
BLTTHS năm 2015 không giới hạn thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố của bị hại nhằm thể hiện sự tôn trọng ý chí của người bị hại và tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục hậu quả, hạn chế việc gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết có thể có đối với người bị hại.