Bị bắt vì mang 10 kg thịt chó vào Nhật Bản

Bị bắt vì mang thịt chó đến Nhật Bản

Theo thông tin đài MBS TV (Nhật Bản), ba người Việt Nam bị cảnh sát bắt giữ vì mang thực phẩm cấm vào Nhật Bản. Những người này bị tố vi phạm Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm chăn nuôi. Phía cơ quan chức năng nhận định nhiều khả năng nhóm người Việt trên buôn lậu thịt chó vào Nhật để bán cho đồng hương. 

Ba người Việt bị bắt tại Nhật vì mang 10 kg thịt chó. Ảnh: Zing.vn

Theo cơ quan điều tra, hồi tháng 4, Nguyễn Thị Thu (37 tuổi) cùng hai người đàn ông Việt Nam khác đã mang 10 kg thịt chó vào sân bay Kansai. Tuy nhiên, số thịt này không được kiểm tra để chứng minh không mắc bệnh truyền nhiễm.

Cách đây không lâu, vào tháng 7-2019, một nữ du học sinh Việt cũng bị bắt ở Nhật Bản do đem theo 360 quả trứng vịt và 10 kg thịt lợn vào nước này, trong đó có một phần được xác định mắc virus dịch tả lợn châu Phi. 

Nữ du học sinh Việt bị bắt tại Nhật do đem theo 10 kg thịt heo và 360 quả trứng vịt nhập cảnh. Ảnh: ANN News.

Mang thực phẩm vào Nhật cần lưu ý điều gì?

Nhiều người dân Việt Nam có thói quen mang theo thực phẩm, gia vị khi đi du học, du lịch hay lao động, tuy nhiên, điều này dễ gặp phải sự rắc rối khi làm thủ tục nhập cảnh tại một số sân bay do các quốc gia này cấm vận chuyển thực phẩm tươi sống hoặc rau củ quả và sản phẩm từ động vật.

Hồi đầu tháng 10-2018, Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản đã ra yêu cầu hành khách mang thực vật (thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến, rau củ quả, sản phẩm từ thực vật,...) đến Nhật phải nộp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do chính phủ nước xuất khẩu cấp. Đồng thời tuân thủ việc kiểm tra, kiểm dịch dựa trên luật bảo vệ thực vật của Nhật Bản.

Theo đó, người tiêu dùng nên lưu ý các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật móng guốc (như bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai, ngựa), gia cầm (như gà, chim cút, gà lôi, đà điểu, gà tây, vịt, ngỗng...), chó, thỏ và ong mật cần phải được kiểm dịch trước khi xuất cảnh sang nước này. Không chỉ thế: bò khô, giăm bông, xúc xích, thịt xông khói và bánh mì thịt, hay các loại thịt, ruột động vật dưới dạng nguyên liệu, đông lạnh hoặc chế biến, xương, mỡ, máu, da, lông, sừng, móng guốc và gân động vật đều không được mang qua Nhật Bản khi không có giấy chứng nhận, kiểm tra dịch tễ...

 Ngoài ra trứng (bao gồm vỏ trứng hay kể cả trứng vịt lộn), sản phẩm sữa tươi, các sản phẩm từ sữa (trừ sữa áp dụng cho trẻ sơ sinh đi cùng), cũng bị liệt kê vào danh sách cấm mang đến Nhật, nếu không xuất trình được giấy tờ đảm bảo an toàn.

Ngoài những sản phẩm bị cấm, chính phủ Nhật Bản có thể tịch thu các sản phẩm bao bì không còn nguyên vẹn hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch dù là quà lưu niệm hay đồ cá nhân. Ngay cả sản phẩm được đóng gói trong túi hút chân không, các sản phẩm bị cấm nhập khẩu hoặc ngừng nhập khẩu và sản phẩm không có giấy chứng nhận kiểm tra cũng không được phép đưa vào Nhật Bản. 

Trong trường hợp, hành khách không xuất trình các giấy tờ nêu trên thì sẽ bị phạt 1 triệu yen Nhật (tương đương 200 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tối đa ba năm, toàn bộ thực phẩm sẽ bị tiêu hủy.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đã liệt kê ra danh mục các thực phẩm bị cấm vận chuyển vào Nhật gồm: Các loại thực phẩm, rau củ quả, thức ăn như các loại trái cây tươi và khô, các loại rau củ quả tươi sống như hành, tỏi, ớt; các loại thịt, thủy sản như ruốc, xúc xích, tôm; tất cả loại rau củ quả, hoa, chậu hoa tỉa cảnh hoặc cả chậu hoa có đất,...

Ăn thịt chó: Có nên từ bỏ?
ĂN THỊT CHÓ: CÓ NÊN TỪ BỎ?
(PLO)- Việc sử dụng thịt chó hiện tại tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do việc chăn nuôi, giết mổ chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của cơ quan nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm