Bị bôi nhọ đời tư, nghệ sĩ cần làm gì?

(PLO)-  Rất nhiều nghệ sĩ bị bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên các diễn đàn sắc đẹp, fanpage liên quan đến showbiz Việt.

Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vũ Văn Đức (22 tuổi, trú huyện Hà Hòa, Phú Thọ) về tội cưỡng đoạt tài sản. Cụ thể, người này từng đăng các bài viết bịa đặt các thông tin nhằm bôi nhọ uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm các diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng để cưỡng đoạt tài sản.

“Ngáo” quyền lực mạng

Trên Facebook hiện nay có hàng loạt fanpage, diễn đàn showbiz với số lượng thành viên từ vài chục ngàn, đến hàng trăm ngàn thậm chí cả triệu người...Bên cạnh lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng, những câu chuyện hậu trường thú vị, không ít bài viết trên các diễn đàn đăng tải thông tin chưa kiểm chứng, thậm chí bịa đặt về đời tư nghệ sĩ. Dưới những bài viết là hàng ngàn bình luận, chửi rủa tục tĩu, người thân, bạn bè của nghệ sĩ cũng bị “chửi lây”.

Một quản lý nghệ sĩ đề nghị giấu tên chia sẻ: “Đợi tới lúc họ “quay xe” (hiểu ra bản chất sự thật) thì nghệ sĩ cũng đã bầm dập vì những tin đồn vô căn cứ vậy rồi. Phải giữ mối quan hệ tốt với các quản trị fanpage để nghệ sĩ của mình hạn chế bị “tế” trên các trang là tốt lắm rồi. Nghệ sĩ cũng là con người thôi, cũng biết vui buồn. Nghệ sĩ cần fan, được khán giả yêu mến là món quà lớn nhất với nghệ sĩ. Tuy nhiên, khi đã bị điểm tên, chỉ cần thở thôi họ cũng bị ghét dù lý do bị ghét là những tin đồn, clip, chia sẻ cắt ghép…” - người quản lý chia sẻ. Về việc làm sao để “giữ mối quan hệ tốt” với những người quản trị diễn đàn thì người quản lý chỉ cười, từ chối trả lời.

Không ai có quyền đứng trên pháp luật

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, nhận định thời gian qua, vấn đề xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc bôi nhọ đời tư của nghệ sĩ bằng các bài bóc phốt, comment dạo, livestream chửi bới trên Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nghệ sĩ… diễn ra ngày càng nhiều, thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận xã hội.

Trường hợp bị bôi nhọ đời tư, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời ngăn chặn tình trạng trên, các nghệ sĩ cần phải nhanh chóng tiến hành thu thập chứng cứ, lưu giữ hình ảnh, tài liệu hoặc liên hệ với thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận lại sự việc. Đó là chứng cứ để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, ý thức của người dùng các nền tảng mạng xã hội đóng vai trò rất quan trọng để góp phần ngăn chặn hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân nói chung hoặc nghệ sĩ nói riêng.

“Quyền tự do ngôn luận là quyền của công dân nhưng việc sử dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc bôi nhọ đời tư người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm khắc bằng các chế tài pháp lý mà pháp luật quy định” - luật sư Phan Vũ Tuấn trả lời báo Pháp Luật TP.HCM.

Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, người thực hiện hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải bồi thường thiệt hại, nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Với những hành vi có tính chất nghiêm trọng, có dấu hiệu của tội phạm thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như tội làm nhục người khác (Điều 155), tội vu khống (Điều 156) của Bộ luật Hình sự năm 2015...

Theo đó, mức hình phạt cao nhất của tội làm nhục người khác là phạt tù đến năm năm, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm; mức hình phạt cao nhất của tội vu khống là bảy năm tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.

“Khi phát hiện bài viết nói xấu, bôi nhọ người khác, bài viết sử dụng những ngôn từ không phù hợp trên Facebook hoặc các trang mạng xã hội thì người dùng thực hiện thao tác nhấn giữ vào thông tin, hình ảnh, comment đó, tính năng “Report” (Báo cáo) sẽ hiện ra và làm theo hướng dẫn để báo cáo Facebook xóa bỏ các thông tin này. Khi phát hiện các trang fanpage giả mạo hoặc fanpage cố tình câu view bằng việc đăng tải các bài viết, thông tin xấu, người dùng cũng làm tương tự để báo cáo với Facebook khóa, xóa bỏ các trang đó” - luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.

Cập nhật thường xuyên các hành vi vi phạm

Tôi cho rằng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là vô cùng cấp thiết.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu đơn vị được cấp phép hoạt động mạng xã hội phải khuyến cáo đến người dùng và định kỳ gửi thông báo để cảnh báo cho người dùng về những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Đồng thời, cập nhật thường xuyên các hành vi vi phạm trên môi trường Internet để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Luật sư PHAN VŨ TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới